Hỗ trợ doanh nghiệp

Hình thành mạng lưới doanh nghiệp phát triển bền vững rộng khắp

Để phát triển bền vững đến với mọi DN rất cần hình thành mạng lưới phát triển bền vững rộng khắp với sự tham gia của các hiệp hội DN, ngành nghề trên cả nước.

Sáng 10/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Ban điều hành Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững (VBCSD).

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VBCSD cho biết trong năm 2017, Hội đồng đã tổ chức thành công đại hội, với sự tham gia của hơn 100 DN lớn trong và ngoài nước có cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững. Bộ tiêu chí xếp hạng phát triển bền vững được chỉnh sửa, giảm mức độ phức tạp để các DN vừa và nhỏ, thậm chí DN siêu nhỏ có thể làm theo.

Việc xếp hạng cũng được thay đổi từ danh sách 100 DN phát triển bền vững tốt nhất sang công nhận DN đạt chuẩn phát triển bền vững và DN làm tốt việc phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn VBCSD phải có tiếng nói mạnh mẽ để lan toả tinh thần phát triển bền vững ra cộng đồng DN. Ảnh: VGP/Đình Nam.

“Hội đồng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thành lập trung tâm hỗ trợ các DN phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong năm 2018, Hội đồng sẽ thành lập các nhóm công tác để nghiên cứu những thuận lợi, thách thức, cơ hội việc làm trong kỷ nguyên số hoá, Cách mạng công nghiệp 4.0 tại một số DN tiêu biểu của ngành da giày, thuỷ sản, dệt may…”, ông Vinh cho biết.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng làm sao có nhiều hơn nữa DN thực hiện phát triển bền vững, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng cần thay đổi cách thức triển khai, chứ không thể phụ thuộc vào hơn 100 DN thành viên của VBCSD trong khi cả nước hiện trên 630.000 DN.

“Giải pháp được đưa ra là thông qua hơn 400 hiệp hội thành viên của VCCI, hiệp hội DN ở 63 tỉnh thành, và hàng trăm hiệp hội DN chuyên ngành. Đây sẽ là cơ sở để hình thành lên mạng lưới DN phát triển bền vững rộng khắp. Mỗi DN được công nhận đạt chuẩn phát triển bền vững sẽ trở thành thành viên của mạng lưới này. Vấn đề là cần phải tiếp tục đơn giản hoá bộ chỉ số phát triển bền vững để các hiệp hội, DN, nhất là DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ có thể áp dụng xây dựng mô hình phát triển bền vững”, ông Lộc kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch VCCI, Phó Thủ tướng lưu ý bên cạnh các hiệp hội thành viên, VCCI cần có kế hoạch phối hợp cụ thể với các hiệp hội DN khác. “VCCI có thể tổ chức ngay cuộc họp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN trẻ, Hiệp hội Nữ doanh nhân để bàn về vấn đề này”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Đại diện một số DN đã đưa ra những ý kiến, trao đổi về một số vấn đề cụ thể liên quan đến việc tăng cường nhận thức của DN về những thách thức hiện hữu trong phát triển bền vững; những cơ hội từ mô hình kinh tế tuần hoàn; nhu cầu ứng dụng dụng CNTT, kết nối và chia sẻ dữ liệu trong kỷ nguyên số…

 

Ảnh VGP/Đình Nam.

Trao đổi với Ban điều hành VBCSD, Phó Thủ tướng khẳng định cộng đồng DN nói chung, trong đó có các DN thành viên của VBCSD, đã kiên trì, trách nhiệm, sáng tạo và có những đóng góp rất ý nghĩa để cộng đồng DN, xã hội ý thức được lợi ích, trách nhiệm phải phát triển bền vững.

“Mỗi năm, khi gặp lại các bạn tôi thấy có nhiều điểm mới, nhiều kiến nghị đã được các cơ quan bộ ngành tiếp thu nhằm xây dựng thể chế tốt hơn. Năm 2017 và quý I/2018 nền kinh tế có nhiều chỉ số phát triển đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh cải thiện thứ bậc nhiều nhất và năm nay chúng ta phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để phát triển nhanh nhưng bền vững”.

Nhấn mạnh đến những cơ hội và thách đố đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng phải có những hành động để nhận thức đúng, thiết thực về khái niệm này bằng những chủ đề cụ thể đối với từng cơ quan, DN, từng cá nhân… Sao cho mọi người đều dễ hiểu, dễ thấy. Đây là một nội dung quan trọng của Diễn đàn phát triển bền vững sắp tới do VCCI phối hợp tổ chức với các bộ ngành, tổ chức quốc tế. 

“VBCSD phải có tiếng nói mạnh mẽ để lan toả tinh thần phát triển bền vững ra cộng đồng DN, phải coi việc phát triển DN bền vững là mục đích lớn nhất của VCCI. Nhiều bộ chỉ số của VCCI như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số DN đánh giá các bộ ngành (MEI)… cuối cùng cũng vì mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng đề nghị và yêu cầu phải làm cho khái niệm “phát triển bền vững” trở nên gần gũi, dễ hiểu với mọi người, mọi DN từ tập đoàn lớn đến đại lý, cửa hàng kinh doanh nhỏ. Bộ chỉ số DN bền vững cần không quá phức tạp, chia nhiều cấp độ, để mọi DN cùng phấn đấu.

“Hiện Việt Nam còn khoảng 40% lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển chỉ là 5-10%. Để đạt được tỉ lệ này ở Việt Nam thì cần có thêm nhiều nhà máy, nhiều DN hơn nữa. Muốn vậy phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tham gia kinh doanh. Đây là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành nhưng tiếng nói của cộng đồng DN cũng rất quan trọng. Chúng ta cần có nhiều cuộc đối thoại thường xuyên, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng để tạo chuyển biến tích cực. 

 

Trong số DN phát triển thêm, cần khuyến khích các DN sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng ít năng lượng, không làm ô nhiễm môi trường, có trách nhiệm xã hội… để mọi người dân được thụ hưởng thành quả phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Nên đọc
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo