Hỗ trợ doanh nghiệp

"Bơm" vốn tín dụng cho hợp tác xã trong các vùng nguyên liệu

DNVN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thực hiện tăng cường năng lực cho ít nhất 250 HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu, thí điểm thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất cho HTX, thành viên HTX...

Ra mắt mô hình khuyến nông tư nhân đầu tiên tại Việt Nam / Hơn 300 cán bộ khuyến nông tham gia tập huấn kỹ năng đào tạo trực tuyến qua Zoom

Thí điểm thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất cho HTX

Sáng 29/3 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang).

Lễ ra mắt tổ khuyến nông cộng đồng gồm đại diện cán bộ khuyến nông cộng ở các tỉnh thành có tham gia đề án xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Đề án phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ; thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển HTX, kết nối thị trường.

Tăng cường năng lực cho ít nhất 250 HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu. Thí điểm thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất cho HTX, thành viên HTX; chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

Đồng thời, áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ, cà phê, lúa gạo, trái cây chất lượng cao; số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, đề án mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ HTX, gồm: Trung tâm logistic chuỗi lúa gạo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang); Trung tâm logistic lúa - tôm hữu cơ (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang); Trung tâm logistic chế biến tôm (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng); Trung tâm logistic trái cây Mỹ Hiệp (tỉnh Đồng Tháp); Trung tâm logistic chuỗi cà phê (tỉnh Gia Lai).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: Phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu. Và vùng nguyên liệu cũng là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững.

“Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị”, ông Nam nói.

Cú hích quan trọng cho nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng đề án về khuyến nông cộng đồng là quyết định mang tính chất bản lề, tạo cơ hội mới vô cùng quan trọng cho hoạt động, cơ chế, hình thức cũng như bản chất hoạt động của đội ngũ khuyến nông.

Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ là cầu nối chặt chẽ nhất với người sản xuất. Đề án giống như xây dựng một tuyến đường cao tốc giành cho hệ thống khuyến nông, từ đó những “tuyến đường” khác sẽ kết nối vào để có sự phát triển mạnh khi khai thác hệ thống này.

Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản là cú hích quan trọng cho nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đánh giá đề án là một cú hích quan trọng cho nỗ lực xây dựng vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp.

Vĩnh Hiệp hiện đang xây dựng vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đội ngũ cán bộ của công ty thường xuyên phải di chuyển khắp 4 tỉnh, nên việc xây dựng vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn nếu không kết hợp với khuyến nông cơ sở.

Do đó, các tổ khuyến nông cộng đồng là một mô hình rất tốt, giúp cho doanh nghiệp giảm được nhiều áp lực về nhân sự khi xây dựng vùng nguyên liệu.

Đồng quan điểm với đánh giá trên, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Long Anh cho rằng: Vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng theo như đề án về khuyến nông cộng đồng không chỉ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mà còn định hướng thị trường. Điều này rất phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm