Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyển đổi đột phá trong ngành Công nghiệp cùng tự động hóa và Robotics

DNVN - Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm Quốc tế Công nghệ Chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019) sẽ diễn ra đồng thời từ ngày 14 -16/8/2019 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Sáng 30/5, tại Hà Nội, Reed Tradex – nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á và Cục Xúc tiến Thương mại ( Bộ Công thương) phối hợp cùng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản tổ chức họp báo thông tin về 2 triển lãm SIE 2019 và VME 2019.

Năm 2019 đánh dấu những thay đổi trong quan hệ giao thương giữa các nước phát triển, kéo theo đó là tiến trình tăng cường tối ưu hóa nguồn lực của các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh chính sách tỷ giá linh hoạt của chính phủ một số nước, phương án điều tiết và tăng cường giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính đã tạo nên xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam, điều này hứa hẹn sẽ góp phần mang đến những cơ hội đầu tư và hợp tác cho các công ty biết kịp thời bắt nhịp cùng xu thế thị trường.

, ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Namchia sẻ

Ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam chia sẻ tại buổi họp báo.

Trước bối cảnh đó, đại diện Ban tổ chức sự kiện, ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Namchia sẻ: “Việt Nam đã và đang thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, mở rộng xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vươn ra thế giới. Và với cương vị là một trong những đơn vị kết nối kinh doanh hàng đầu khu vực thông qua các hội nghị, triển lãm quốc tế, Reed Tradex Việt Nam hân hạnh hợp tác cùng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại Thương Nhật Bản JETRO và Cục Xúc tiến Thương Mại Vietrade mang đến sự kiện lần này như một cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ sự liên kết giữa các công ty sản xuất linh kiện, các nhà sản xuất, lắp ráptrong ngành công nghiệp hỗ trợ có liên quan”.

Cùng ý kiến trên, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa, nhận định: “Năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 630 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD mức đầu tư cao thứ 2 tính đến hiện tại. Hằng năm JETRO đều tiến hành khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1 đến 2 năm tới, có gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”. Con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu. Tuy nhiên, một trong số những khó khăn là“tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp.”

Ông Hironobu Kitagawa nhấn mạnh: “Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36.3%. Tuy có tăng hằng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự họp báo

Các đại biểu tham dự họp báo

 

Ngoài ra, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là “Ngành công nghiệp hỗ trợ” phần lớn do doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam. Nếu nhìn từ góc độ khác, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Và hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao.”

Bàn về vấn đề trên, không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản mà tất cả các nhà đâu tư nước ngoài đều quan tâm: Khi tiến trình tự động hóa đã và đang thâm nhập thị trường, làm thế nào để ngành công nghiệp sản xuất và các ngành phụ trợ có thể kịp thời thay đổi và tạo nên những biến chuyển đột phá, giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp trọng điểm trong khu vực?

Phát biểu tại sự kiện, Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, bày tỏ quan điểm: “Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững. Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.”

Nhìn chung tại các quốc gia Đông Nam Á đang trên đà phát triển, nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xem là trụ cột, xương sống của nền kinh tế. Nhằm hỗ trợ nhóm này, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), quyết định thực hiện Dự án Liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) trong giai đoạn 2018 – 2023 với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu đôla. Dự án có mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua giữa các DNNVV và các công ty đa quốc gia tại Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Họp báo thông tin về Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm Quốc tế Công nghệ Chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)”.

Họp báo thông tin về Triển lãm SIE 2019 và VME 2019.

 

Bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như USAID, để khu vực các DNNVV phát triển bền vững, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ xóa bỏ những rào cản, cụ thể hóa nhiều giải pháp hỗ trợ, nổi bật là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với Nghị định số 39/2018/NĐ-CP. Các DNNVV nên tích cực tận dụng lợi thế cạnh tranh sẵn có cùng các chính sách để tạo ra một đòn bẩy giúp tăng cường vị thế ngành sản xuất trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các DNNVV quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng cũng như trong nền kinh tế khi chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, 40% GDP Việt Nam trong năm 2016. Tuy nhiên, nhóm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thiếu tiềm lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Năm 2017, chỉ 21% DNNVV ở Việt Nam đạt chuẩn trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn nhiều so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp”, ông Phan Ngân, Giám đốc dự án, Công ty Reed Tradex cho biết.

Với sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ 16 quốc gia cùng hơn 200 công nghệ & máy móc tiên tiến, “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)” sẽ được diễn ra đồng thời vào ngày 14-16/8/2019 tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội (Cung Văn Hóa).

Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm để hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan trong công tác kết nối cùng đại lý, nhà phân phối.

Hoài Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo