19 doanh nghiệp FDI tại Tiền Giang gửi thư "cầu cứu" Thủ tướng
DNVN - 19 doanh nghiệp FDI trong các cụm công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với tổng cộng gần 70.000 lao động vừa gửi thư "cầu cứu" Thủ tướng vì cho rằng chính quyền tỉnh đang thực hiện trái với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, gây khó cho người lao động và doanh nghiệp.
Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ giảm tiền điện do dịch COVID-19 / Ảnh hưởng COVID-19, Hà Nội vẫn thu hút 1,28 tỷ vốn FDI trong 9 tháng năm 2021
Trong thư gửi Thủ tướng, đại diện 19 doanh nghiệp (DN) FDI cho biết, hiện Chính phủ đã thay đổi chiến lược trong công tác phòng, chống dịch để phù hợp với tình hình mới, không còn theo đuổi "zero COVID", các biện pháp phong tỏa cũng đã linh hoạt hơn.
Cụ thể, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Theo các DN này, đây là hướng đi đúng đắn và kịp thời, minh chứng là nhiều tỉnh, thành phía Nam đã dần trở lại trạng thái bình thường mới
Theo phản ánh của những DN này, hiện đa số các DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7/2021 đến nay vì ảnh hưởng của đại dịch. Trong khoảng thời gian này, các DN và người lao động nói chung đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.
Dù được sự quan tâm của Chính phủ trong việc ưu tiên phân bổ vaccine nhiều hơn hầu hết các tỉnh, thành khác ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng đến nay tỷ lệ phủ vaccine toàn dân của tỉnh Tiền Giang chỉ đạt 57% (849.600 liều).
19 DN FDI đóng tại tỉnh Tiền Giang kiến nghị không bắt buộc DN sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ". (Ảnh: MOH)
Về phía người lao động tại các DN, dù hơn 80% đã được tiêm mũi 1 vaccine đủ 14 ngày nhưng vẫn chưa được quay lại các nhà máy. Theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang, "sản xuất phải an toàn - an toàn mới sản xuất", khi 100% người lao động tiêm mũi 2 đủ 14 ngày và người nhà của người lao động được tiêm đủ vaccine thì mới đủ an toàn để có thể cho DN hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới.
Ngày 1/10, cộng đồng một số DN lớn viết thư kêu cứu gửi Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào.
Trong khi đầu tháng 10, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho DN, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. Riêng tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất "3 tại chỗ" làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của DN trong lúc khó khăn.
19 DN FDI lập luận, trong khi Nghị quyết 128 quy định rất rõ việc xét nghiệm và đi lại của người dân từ khu vực cấp độ 1 đến cấp độ 4, Bộ Y tế cũng cấp thẻ xanh để đi lại cho người dân đã tiêm 1 mũi vaccine. Hơn nữa, Tiền Giang cũng đã áp dụng phân vùng 2 trên địa bàn, từ đầu tháng 10/2021 rất nhiều cơ sở kinh doanh mua bán đã được phép hoạt động bình thường, người dân được đi lại tự do trong tỉnh. Tuy nhiên, người lao động lại không thể đi làm, doanh nghiệp vẫn phải đóng cửa.
Theo 19 DN này, việc tỉnh Tiền Giang "một mình đi một đường" khiến DN và người lao động rất khó khăn. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các DN vẫn phải tiếp tục "thắt lưng buộc bụng". Chuỗi cung ứng đứt gãy, DN và NLĐ đều cạn kiệt kinh tế.
Trước những khó khăn này, 19 DN mong muốn Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, đồng thời đề nghị được xem xét không bắt buộc DN sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.
Các DN cũng mong muốn Chính phủ cho phép người lao động đang sinh sống tại vùng 1-3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào ngày 1/11/2021. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch, cam kết của doanh nghiệp và người lao động. Cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đề nghị không giới hạn thời gian giới nghiêm, từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc. Đề nghị chỉ test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc, sau đó doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.
Với việc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 sau gần 2 năm ứng phó, ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết 128 được dư luận, người dân đánh giá cao và cho rằng Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng chống dịch. Chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng "đóng băng" trong sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động kinh tế-xã hội ở một số nơi trong thời gian vừa qua. Đồng thời khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo