Hỗ trợ doanh nghiệp

3 cam kết của Việt Nam với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài

DNVN - Để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam, Chính phủ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và có 3 cam kết với các nhà đầu tư nước ngoài.

Triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh / Cần quan tâm hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo địa phương

3 cam kết với nhà đầu tư

Tại hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) ngày 16/10 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các nhà đầu tư đã vượt qua khoảng cách về địa lý, khó khăn, thách thức cũng như tận dụng cơ hội để đến Việt Nam, cam kết tới Việt Nam và mở rộng đầu tư trong thời gian tới.

Trước các câu hỏi của các nhà đầu tư rằng Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để thực hiện các cam kết và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Kiên trì chính sách quốc phòng "bốn không": không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp FDI. (Ảnh: VGP).

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Việt Nam đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Từ đó giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bám sát, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực để phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả với các nhà đầu tư.

Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam sẽ tiếp tục là hình mẫu về khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để phát triển sau chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Đồng thời, triển khai các công việc có trọng tâm, trọng điểm như tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam có 3 cam kết với nhà đầu tư. Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng. Tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường và phù hợp các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng của Việt Nam. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, vì lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đóng góp cho Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, phát triển chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng, đóng góp vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, đổi mới quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại.

Về phía hiệp hội, Thủ tướng mong muốn các hiệp hội kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ, "luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình".

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm