6 kiến nghị liên quan đến chất lượng của thông tư, công văn hướng dẫn dưới góc nhìn của doanh nghiệp
DNVN - Nêu phản ánh của doanh nghiệp về chất lượng thông tư, công văn, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay, có doanh nghiệp gửi nhiều công văn yêu cầu đến bộ nhưng tận 10 năm vẫn chưa có câu trả lời. Từ đó gây sự tắc nghẽn, đình trệ trên thực tế, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Lực lượng QLTT toàn quốc vừa kiểm dịch, vừa kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm / Chi hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Thông tư, công văn là hai dạng văn bản rất quen thuộc, quan trọng trong hoạt động áp dụng pháp luật của doanh nghiệp. Theo đó, chất lượng của các văn bản này sẽ tác động đáng kể đến môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta.
Những năm gần đây, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động cải cách thể chế thông qua việc đặt ra các mục tiêu cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Các cơ quan hoạch định chính sách đã hiện thực hóa các chỉ đạo này bằng cách sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản liên quan đến kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy rõ mức độ cải cách ở các văn bản cấp nghị định trở lên.
Tuy vậy, khi rà soát ở các văn bản cấp thông tư, vẫn còn những quy định chưa thể hiện đúng tinh thần của các cải cách trên.
Tại Hội thảo trực tuyến “Chất lượng của thông tư, công văn – Góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam-Aus4Reform), tổ chức sáng 25/6, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, đã có đánh giá sơ bộ về chất lượng thông tư và công văn từ góc nhìn doanh nghiệp (DN).
Chất lượng thông tư ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh
Ông Đậu Anh Tuấn dẫn phản ánh của DN về thực trạng thông tư cho thấy, số lượng thông tư lớn hơn rất nhiều so với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong khi đó, dù trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của Thông tư rất thấp, nhưng trong thực tế thì… lại không phải như vậy.
Số lượng thông tư lớn hơn rất nhiều so với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
"Luật ban hành nhưng phải chờ thông tư thì các quy định mới thực sự được thực thi. Chẳng hạn, các luật về thuế, hầu như trong quá trình thực hiện, DN chủ yếu xem quy định tại thông tư để áp dụng", ông Tuấn nói.
Vẫn còn tình trạng thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà không được Luật, Pháp lệnh giao hay thông tư không thống nhất với nghị định. Ngoài ra, còn có tình trạng thông tư quy định thiếu rõ ràng tạo cách hiểu không nhất quán giữa các cơ quan áp dụng.
Ông Tuấn lấy ví dụ, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư này đưa ra định nghĩa về giáo viên của trung tâm ngoại ngữ, trong đó có sử dụng khái niệm “người bản ngữ” nhưng không có quy định rõ về quốc tịch người bản ngữ. Do đó, DN - các trung tâm ngoại ngữ chẳng hạn nộp hồ sơ xin giấy phép lao động của giáo viên nước ngoài gặp nhiều khó khăn, gây nhiều phiền hà cho DN trong việc thực thi các thủ tục hành chính.
Những hạn chế này vô hình trung làm suy giảm tính hiệu quả trong các “chiến dịch” cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi.
Theo chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, khi đối mặt từ những phản ánh của DN, các hiệp hội DN, những phản ứng từ các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau. Cụ thể, trong thời gian vừa rồi, có khá nhiều bộ, ngành khi ban hành thông tư thì DN phản ứng rất mạnh mẽ. Theo đó, một số cơ quan Nhà nước đã quyết định tạm ngưng hiệu lực của thông tư, thậm chí có trường hợp ngừng hiệu lực của thông tư trước thời điểm phát sinh để xem xét, sửa đổi.
"Ví dụ điển hình cho trường hợp này là Thông tư 20 ban hành năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhập khẩu dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng. Khi ban hành thông tư này, rất nhiều hiệp hội, kể cả các hiệp hội DN lớn của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, VCCI phản ánh những bất cập, hạn chế, cản trở của thông tư. Và sau này, trước thời điểm có hiệu lực, thông tư đã bị đình chỉ. Hay như gần đây có thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ về tiêu chuẩn thép không gỉ, tạo ra nhiều khó khăn cho DN, nhiều hiệp hội DN lên tiếng và Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải tạm ngưng hiệu lực của thông tư", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, lại có một số bộ, ngành lại chưa có động thái sửa đổi thông tư hoặc mất một thời gian dài mới sửa đổi thông tư.
DN "dở khóc dở cười" vì công văn
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng trên thực tế khi DN phản ánh về công văn thì nhiều công văn có chứa các nội dung có tính chất như quy định.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI tại hội thảo sáng 25/6.
"Đầu năm nay, nhiều tỉnh,thành bày tỏ băn khoăn với VCCI rằng, nếu địa phương thực hiện theo công văn trên, sau này lỡ có vấn đề gì thì sao?! Chính vì vậy, trên thực tế cũng có những công văn có tính chất như quy định được áp dụng tạo ra những hệ lụy rất lớn về mặt pháp lý cho các cơ quan thực thi, có thể gây thiệt hại và rủi ro lớn cho các DN", ông Tuấn nhận định.
Điểm thứ hai DN phản ánh về công văn là công văn trả lời việc áp dụng pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước có phải là căn cứ để DN thực hiện hay không? Trên thực tế, VCCI nhận được khá nhiều văn bản DN phản ánh tình trạng DN thực hiện theo hướng dẫn từ công văn của cơ quan quản lý nhưng sau này một số cơ quan quản lý tới kiểm tra, thanh tra lại... phạt DN.
Ngoài ra, DN cũng phản ánh công văn của các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng quy định chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật thì liệu DN có phải áp dụng theo hay không. Nhiều DN cho biết, mức độ hiểu áp dụng pháp luật của các công chức quản lý Nhà nước chưa đúng.
Chẳng hạn, hải quan có văn bản quy định áp dụng mã HS của hàng hóa nhập khẩu sai so với quy định tại văn bản quy phạm pháp luật. Khi DN đã nhập khẩu rồi có thể mã HS này không phải chịu thuế. Thế nhưng khoảng 4 - 5 năm sau, cơ quan quản lý khác thông báo mã HS đó không đúng và phải nộp thuế 5 - 10%. Do đó, nhiều DN rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười".
Một tồn tại nữa của công văn trả lời các nội dung về việc áp dụng pháp luật của DN là công văn không đi thẳng vào vấn đề, không có nội dung, thay vào đó chỉ trích dẫn các quy định pháp luật, rồi để DN tự hiểu và áp dụng. Thực trạng này xảy ra với cả các cơ quan quản lý ở địa phương.
Về việc ban hành công văn của cơ quan Nhà nước, DN phàn nàn thời hạn trả lời rất lâu. Đáng nói hơn là có tình trạng cơ quan quản lý không trả lời DN.
"Chúng tôi nhận được phản ánh của DN rằng họ gửi nhiều công văn yêu cầu đến Bộ nhưng tận 10 năm vẫn chưa có câu trả lời, tạo sự tắc nghẽn, đình trệ trên thực tế, gây khó khăn cho hoạt động của DN", ông Tuấn chia sẻ.
Gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề
Với những đánh giá sơ bộ trên về chất lượng thông tư và công văn từ góc nhìn doanh nghiệp, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đưa ra 6 kiến nghị.
Một là, việc soạn thảo thông tư có tác động rất lớn đến quyền - lợi ích của người dân và DN, tác động trực tiếp và rất lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh nên cần sự chuyên nghiệp trong quá trình soạn thảo thông tư, kiểm soát và chống xung đột, cài cắm lợi ích.
Hai là, nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư. Phải có cơ chế phản hồi nhanh về chất lượng thông tư.
Ba là, tăng cường tham vấn, cơ chế thực tế để doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo thông tư. Những văn bản quy phạm pháp luật càng minh bạch hóa, quá trình soạn thảo càng công khai thì chất lượng và tính khả thi trên thực tế càng tốt hơn.
Bốn là, liên quan đến công tác hậu kiểm, cần giám sát việc ban hành thông tư, đánh giá tác động chính sách từ thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi.
Năm là, gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kinh tế. Cá nhân ở đây có thể là Bộ trưởng, Thứ trưởng. Nếu thông tư gây thiệt hại hay khó khăn cho DN thì rõ ràng phải gắn trách nhiệm cá nhân bằng việc kỷ luật, hay những hình thức khác. Hiện cá nhân chưa phải chịu trách nhiệm gì về vấn đề này, theo đó không tạo được sự công bằng trong xã hội.
Sáu là, về lâu dài thì cần hạn chế ban hành thông tư. Với hàng ngàn thông tư như hiện nay rõ ràng sẽ là gánh nặng về tuân thủ rất lớn, tạo rủi ro lớn nếu chất lượng không cao.
Với những đánh giá và khuyến nghị trên, ông Đậu Anh Tuấn hi vọng nhận được sự sự tham gia góp ý của các chuyên gia, hiệp hội, DN, các cơ quan quản lý để cùng Chính phủ và các bộ/ngành xây dựng khung khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo