Hỗ trợ doanh nghiệp

Bách Hóa Xanh thay đổi vị trí mở cửa hàng, doanh số gần chạm mức kì vọng

Doanh thu mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh theo tháng gần chạm mốc kỳ vọng 1 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 16% so với con số 14% hồi đầu năm.

Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài chi hơn 100 tỷ đồng trả cổ tức / Bộ Tài chính đào tạo chuyên sâu về chuẩn mực kế toán

Buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) tập trung phần nhiều mối quan tâm vào chuỗi Bách Hóa Xanh. Sau tất cả những biến động về kế hoạch mở cửa hàng, doanh thu không đạt được kỳ vọng cùng những áp lực khác về tăng trưởng, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc vận hành Bách Hóa Xanh, khẳng định tự tin có thể thuyết phục được người nội trợ lựa chọn.

Đầu năm, ông Trần Kinh Doanh nói Bách Hóa Xanh đối mặt với 2 vấn đề. Thứ nhất là hệ thống quản trị và thứ hai là doanh thu trung bình của cửa hàng giảm khi mở rộng hệ thống, đạt dưới mức trung bình 400 - 500 triệu đồng/tháng. Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này nhưng địa điểm đặt cửa hàng có thể là nguyên nhân chính.

Phân tích doanh thu các chuỗi của MWG

Trong lần gặp gỡ nhà đầu tư này, ông Doanh nói về vấn đề quản trị, Bách Hóa Xanh xử lý được khoảng 60% và đang tiếp tục hoàn thiện. Về câu chuyện cửa hàng, Bách Hóa Xanh tiến gần tới điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận chưa bao gồm thuế, lãi vay và khấu hao) tại cửa hàng vào cuối năm.

Doanh thu mỗi cửa hàng theo tháng gần chạm mốc kỳ vọng 1 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 16% so với con số 14% hồi đầu năm. Kết quả này có được một phần nhờ thay đổi địa điểm mở cửa hàng, thay vì thọc sâu vào khu dân cư thì hiện diện tại các trục đường giao thông đông đúc.

"Đúng vị trí" khiến Bách Hóa Xanh ngay lập tức có câu trả lời bằng chính kết quả kinh doanh. Tính đến cuối tháng 6, doanh thu bình quân chuỗi Bách Hóa Xanh đạt trên 850 triệu đồng/cửa hàng/tháng, tiệm cận con số kỳ vọng.

Theo ông Doanh, Bách Hóa Xanh cũng đẩy mạnh thêm mặt hàng tươi sống bán tại cửa hàng, tạo sự khác biệt với các siêu thị nhỏ khác bằng mô hình thịt tươi, cá lội..., tương đồng với chợ truyền thống. Các cửa hàng cũng được chia làm ba phân khúc từ lớn (200 - 300 m2) đến tiêu chuẩn (150 - 200 m2), cuối cùng là cửa hàng nhỏ (100 - 150 m2).

Cửa hàng lớn có doanh thu trên 2 tỷ đồng/tháng, cung cấp hơn 3.000 mặt hàng tiêu dùng nhanh và hơn 300 loại thực phẩm tươi sống. Cửa hàng tiêu chuẩn thì phổ biến hơn, mở tại nơi đông dân cư, trục đường giao thông tấp nập. Còn lại, cửa hàng nhỏ có hoạt động kém hiệu quả nhất. Ông Doanh cho biết Bách Hóa Xanh hiện có 88 cửa hàng nhỏ với doanh thu khoảng 600 triệu đồng/tháng. Định hướng của MWG là các cửa hàng này sẽ tiếp tục được hoạt động trong 1 - 2 năm, nếu không phát triển thêm được thì sẽ đóng cửa.

Hiện tại, Bách Hóa Xanh có khoảng 400 cửa hàng và từ nay đến cuối năm, con số này sẽ đạt khoảng 500, tối đa là 600. Đại diện MWG nói tốc độ mở rộng có vẻ chậm nhưng số lượng không quan trọng, quan trọng là mỗi ngày doanh số tốt hơn. Trong 3 - 4 tháng gần đây, ông Doanh nói tăng trưởng doanh thu tự nhiên (khách hàng tự đến) của Bách Hóa Xanh là 3 - 5%/tháng.

Với các tín hiệu tích cực này, ông Doanh cho biết càng làm sâu trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, đồ tươi sống, ông càng cảm thấy quy mô thị trường 50 - 70 triệu USD là có thật, không phải chuyện vẽ vời.

Định hướng từ nay đến cuối năm, Bách Hóa Xanh sẽ đi ra khỏi TP HCM, tập trung về TP Mỹ Tho, TP Bến Tre. Hiện, Bách Hóa Xanh đã mở rộng ra các tỉnh phía đông TP HCM, gồm 2 cửa hàng tại Bình Dương và 1 cửa hàng tại Long An. Trung tâm phân phối hàng cũng sẽ được xây dựng ở phía Đông TP HCM, nằm rìa Bình Dương, Đồng Nai.

Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm