Hỗ trợ doanh nghiệp

Bàn giải pháp phát triển thị trường trong nước, "kéo" tổng cầu đi lên

DNVN - Trong bối cảnh thị trường trong nước 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhưng tốc độ đang tăng chậm lại và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, phát triển thị trường, thúc đẩy quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế...

Hàng chục vạn doanh nghiệp "chết yểu", tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa phù hợp / Khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Hỗ trợ phục hồi tổng cầu
Kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm.
Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,7%, du lịch lữ hành tăng 65,9%, còn bán lẻ hàng hóa tăng 9,3%.
Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.016.700 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,44%, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương đạt mức tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước như: Bình Dương tăng 15,6%, Quảng Ninh tăng 14,5%, Hải Phòng tăng 14%, Đồng Nai tăng 12,3%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng tích cực nhưng tốc độ đang chậm lại và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Với những số liệu này, Bộ Công Thương đánh giá, thị trường trong nước tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm.
Tốc độ tăng chậm
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2023 mặc dù có quy mô lớn hơn nhưng tốc độ tăng đang chậm lại và thấp hơn cùng kỳ năm trước (10,9% so với mức tăng 12,2% của cùng kỳ năm trước). Tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thị trường nội địa còn diễn biến phức tạp.
Kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cần thời gian để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài.
Việc thực thi Chương trình phục hồi kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn chưa kịp thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất.
Chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó. Việc tăng lương cơ sở từ 1/7 vừa thúc đẩy cầu trong nền kinh tế nhưng có thể sẽ gây ra những hệ lụy nhất định đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá cả trong nước...
Hỗ trợ doanh nghiệp
Để đạt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%, cần tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa cũng như tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước…
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm