Hỗ trợ doanh nghiệp

Bất lực với chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Khâu quản lý quá lỏng lẻo khiến tình trạng chủ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn rất khó ngăn chặn, làm cho người lao động thiệt thòi quyền lợi.

VinFast - Công ty sản xuất ô tô quy mô hoàn thiện đầu tiên của Việt Nam / Đồng Nai: 52 doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn

Hơn 40 công nhân (CN) Công ty TNHH MTV Cho Won (100% vốn Hàn Quốc; KCN Dệt may Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vừa gửi đơn kêu cứu đến Ban Quản lý các KCN Đồng Nai vì bị nợ lương 2 tháng, trong khi không thể liên lạc với giám đốc công ty.

Chủ mất tích, công nhân khốn đốn

Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho biết Công ty TNHH MTV Cho Won được thành lập từ năm 2011 với vốn đầu tư 1 triệu USD, chuyên sản xuất lưới nhựa do ông Kim Dae Gun (quốc tịch Hàn Quốc) làm giám đốc.

Ngày 22-10-2018, ông Kim Dae Gun nói đi công tác nước ngoài và biệt tăm từ đó cho đến nay. Một ngày sau, đến lượt nhân viên quản lý sản xuất người Hàn Quốc cũng rời công ty và mất liên lạc, càng khiến tập thể CN hoang mang. Công ty Cho Won đang nợ người lao động (NLĐ) lương tháng 9 và tháng 10. Ngoài ra, công ty còn nợ BHXH 120 triệu đồng. Trước đó, gần 2.000 CN của Công ty TNHH KL Texwell Vina (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cũng mất trắng quyền lợi khi giám đốc công ty bỏ trốn về Hàn Quốc, để lại khoản nợ đọng BHXH hơn 16 tỉ đồng, chưa kể nợ lương CN.

Bất lực với chủ doanh nghiệp bỏ trốn - Ảnh 1.

Công nhân Công ty Bumjin Vina đến nghe cán bộ Công đoàn hướng dẫn thủ tục ủy quyền khởi kiện đòi quyền lợi. Ảnh: CAO HƯỜNG

Tình trạng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bỏ trốn không chỉ xảy ra tại Đồng Nai mà còn ở một số TP lớn như TP HCM và Đà Nẵng. Cuối tháng 7 vừa qua, hàng trăm CN Công ty TNHH TBO Vina (100% vốn Đài Loan; KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã tập trung để đòi lương do ông chủ công ty bỏ về nước. Theo phản ánh của tập thể CN, công ty thường trả lương cho họ vào ngày 10 hằng tháng. Nhưng đến tháng 6-2018 vừa qua, công ty chỉ thanh toán được 30% lương và hứa đến ngày 20-7-2018 sẽ thanh toán hết. Đến hạn, công ty lại cho CN nghỉ việc với lý do không còn đơn hàng và tiếp tục hẹn đến ngày 1-8 sẽ thanh toán hết. Đúng hạn, CN quay lại làm việc thì công ty đã ngừng hoạt động và giám đốc cũng biến mất. Từ đó cho đến nay, 500 CN tại công ty vẫn mỏi mòn chờ giải quyết quyền lợi. Còn tại TP HCM, từ đầu năm đến nay¸ tình trạng một số chủ DN FDI làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn gây thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ. Hầu hết DN có chủ bỏ trốn đều nợ BHXH lớn, không có khả năng chi trả. Vụ gần đây nhất là tại Công ty TNHH Nam Phương (100% vốn Hàn Quốc, KCN Tây Bắc; huyện Củ Chi, TP HCM) khi ông Nam Sung Ho, giám đốc, mất tích, để lại khoản nợ lương và BHXH của 600 CN hơn 31 tỉ đồng.

Khởi kiện - không ăn thua

Không khó nhận ra những biểu hiện lạ ở DN FDI có chủ bỏ trốn, đó là liên tục chậm lương, nợ BHXH kéo dài, sau đó là âm thầm tẩu tán tài sản và cắt đứt liên lạc với NLĐ. Những biểu hiện lạ này được NLĐ và Công đoàn (CĐ) cơ sở tại DN phản ánh, thậm chí khuyến cáo. Thế nhưng, sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng đã khiến NLĐ gánh chịu hậu quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, cho biết sở dĩ tình trạng trên xảy ra là do các biện pháp chế tài, xử phạt vi phạm hiện hành chưa đủ sức răn đe dẫn đến lờn luật. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quy trình xử lý DN nợ, chậm đóng BHXH kéo dài hoặc chủ DN bỏ trốn và quy trình chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự. CĐ cơ sở cũng có một phần trách nhiệm khi chưa mạnh dạn tố cáo sai phạm về tiền lương, BHXH của DN. Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết hiện có hơn 100 DN trong các KCN làm ăn thua lỗ. Tổng số nợ BHXH đến tháng 9 là hơn 550 tỉ đồng, trong đó riêng các DN FDI nợ trên 243 tỉ đồng (chiếm gần 50% số nợ). Sau vụ việc tại Công ty TNHH MTV Cho Won, Sở LĐ-TB-XH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh cho rà soát lại các DN đang thuê nhà xưởng trên địa bàn để có giải pháp quản lý chặt, tránh tình trạng chủ DN bỏ trốn, gây thiệt thòi quyền lợi NLĐ.

Khi chủ DN bỏ trốn, giải pháp duy nhất của các cơ quan chức năng địa phương là niêm phong tài sản DN để làm cơ sở giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Thế nhưng, số tài sản giá trị còn lại của DN không bao nhiêu nên việc cơ sở bảo đảm giải quyết quyền lợi cho CN là con số không. Trong khi đó, công tác đại diện và hướng dẫn NLĐ khởi kiện đòi quyền lợi của tổ chức CĐ cũng gặp khó khăn do bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành. Theo ông Mai Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM - hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc DN bỏ trốn là như thế nào, bao nhiêu lâu thì gọi là bỏ trốn, xử lý khối tài sản còn lại ra sao. Trong khi đó, tài sản DN nếu không được bảo quản sẽ xuống cấp, đến khi xử xong và thanh lý thì cũng không còn giá trị, do vậy có thắng kiện thì NLĐ cũng thiệt thòi. Lãnh đạo CĐ KCX-KCN TP cho biết ở một số vụ việc, NLĐ được tuyên thắng kiện nhưng chẳng nhận được gì vì còn vướng khâu thi hành án.

 

Buộc doanh nghiệp đóng tiền ký quỹ

Theo ông Nguyễn Tất Năm, Bộ LĐ-TB-XH cần sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành các biện pháp chế tài, cưỡng chế cụ thể trong trường hợp DN không chấp hành quyết định, kết luận thanh tra (lương, BHXH) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ bởi theo quy định của Bộ Luật Dân sự, khi đã được cơ quan nhà nước giải quyết thì tòa án không thụ lý đơn. "Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để bảo vệ quyền thụ hưởng BHXH của NLĐ tại các DN nợ BHXH, DN có chủ bỏ trốn; đồng thời xem xét bổ sung quy định DN trước khi thành lập phải có phương án sử dụng lao động và có tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với NLĐ khi mất khả năng thanh toán hoặc bỏ trốn" - ông Năm đề xuất.

Theo nld.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm