Hỗ trợ doanh nghiệp

Cần đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi bán lẻ xăng dầu

DNVN - Trước tình trạng doanh nghiệp nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ do mức chiết khấu thấp, Bộ Công thương cần có trách nhiệm hướng dẫn, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm.

Ngân hàng thương mại phải đảm bảo vốn cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu / Từ 1/4, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 1/10/2022, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khi trả lời câu hỏi liên quan đến chiết khấu bán lẻ xăng dầu nhấn mạnh: “Liên quan đến chiết khấu của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trước hết chúng tôi cũng nhắc lại là vai trò chính của Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính có 2 việc rất quan trọng, một là bảo đảm nguồn cung về xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Hiện nay chúng ta làm khá tốt, bảo đảm đủ nguồn cung trong bối cảnh cả thế giới, khu vực gặp rất nhiều khó khăn về việc bảo đảm nguồn cung về xăng, dầu”.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu. Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất sát sao, rất rõ là phải bám sát vào giá của thị trường thế giới, phải sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu một cách linh hoạt. Khi điều hành xăng dầu chúng ta chú ý đến các nhóm lợi ích: Lợi ích của doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và người tiêu dùng (100 triệu dân Việt Nam); của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt của Chính phủ, liên Bộ Công thương - Tài chính bám sát vào 3 lợi ích nhóm này và điều hành hài hoà, hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế. hiện nay, mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác. Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Chúng ta hiểu rằng đây là giá trần, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán xăng dầu thì họ bán bằng giá này, nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho người mua”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Trong thực tế, xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý, kinh doanh xăng dầu là loại hình kinh doanh có điều kiện. Trong tổng số gần 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 13.000 cửa hàng, trải khắp vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bán lẻ xăng dầu đóng góp rất lớn vào việc cung cấp xăng dầu đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên trong thời gian dài vừa qua, các đầu mối nhập khẩu, thương nhân phân phối, tổng đại lý đã giữ lại toàn bộ chi phí kinh doanh định mức và để chiết khấu bán lẻ cho các đại lý bằng không, có thời điểm còn âm.

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Bộ Công thương được Chính phủ quy định, Bộ Công thương chịu trách nhiệm về việc tổ chức chuỗi cung ứng xăng dầu. Hiện Bộ Công thương đã làm điều này, cụ thể là hầu hết các loại giấy phép liên quan đến kinh doanh xăng dầu đều do Bộ Công thương (phân cấp đến Sở Công thương các địa phương) cấp. Bộ Công thương có nhiệm vụ ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản quản lý nhà nước đối với ngành hàng xăng dầu. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính điều hành giá mặt hàng xăng dầu.

Do đó, việc điều hành thị trường xăng dầu thời gian qua của Bộ Công thương cần tuân thủ các quy định của pháp luật, cụ thể:

Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định tại Điều 3. Giải thích từ ngữ

“3.Chuỗi giá trị là mạng lưới liên kết tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các giai đoạn tiếp nối nhau từ hình thành ý tưởng, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng.

4.Chuỗi phân phối sản phẩmlà mạng lưới các trung gian thực hiện phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa đến người tiêu dùng do các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh thực hiện”.

Điều 13. Hỗ trợ mở rộng thị trường. 1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư. Doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, kinh doanh khác được thành lập chuỗi phân phối sản phẩm. Điều này được sửa đổi tại Điểm b, khoản 4, Điều 99 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020:“1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập chuỗi phân phối sản phẩm. Doanh nghiệp và tổ chức đầu tư, kinh doanh khác được thành lập chuỗi phân phối sản phẩm”.

Điều 24. Khoản 2 “Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm”

Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Mục 3. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Điều 24. Tiêu chí xác định chuỗi giá trị và lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị để hỗ trợ

1. Chuỗi giá trị được xác định khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:

Sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng;

Có các doanh nghiệp đầu chuỗi trong chuỗi giá trị;

Có các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp đầu chuỗi”.

Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 hướng dẫn thi hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP, Điều 2, khoản 4: “4. Doanh nghiệp đầu chuỗi làcác doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước ngoài,đápứng quy định tại khoản 11 Điều 3 Nghị định số 80/2021/NĐ-CPvàcó hợp đồng mua sản phẩm củaDNNVV”.

Và “Điều 17. Lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến. 1. Các hình thức DNNVV tham gia chuỗi giá trị theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số80/2021/NĐ-CP, gồm:

DNNVV là doanh nghiệp đầu chuỗi được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

DNNVV đang thực hiện hợp đồng mua, bán sản phẩm, dịch vụ hoặc hợp đồng hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu chuỗi.

DNNVV được các doanh nghiệp đầu chuỗi hoặc cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV đánh giá có tiềm năng trở thành nhà cung ứng cho doanh nghiệp đầu chuỗi”.

Như vậy, theo các văn bản quy phạm pháp luật nói trên, Bộ Công thương có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm, phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngày 21/9 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp thuộc Chi hội Xăng dầu. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã cho biết chiết khấu bán lẻ bằng không trong thời gian dài vừa qua đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng, không còn vốn lưu động để tiếp tục kinh doanh. Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương và các doanh nghiệp nhỏ và vừa bán lẻ xăng dầu mong muốn Bộ Công thương cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong vấn đề đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trước bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm