Hỗ trợ doanh nghiệp

Cảnh báo doanh nghiệp bất động sản "ôm' nợ lớn từ trái phiếu và ngân hàng

Bên cạnh việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao để huy động vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn vay nợ tại các ngân hàng. Vì vậy, khi thị trường gặp khó khăn rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu.

Việt Nam đề nghị Đức tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất linh kiện / Tiêu chí để NLĐ làm việc tại DN từ 1 năm trở lên được hỗ trợ 1 triệu đồng/người dịp Tết

trai-phieu-5051-1610936248.jpg

Dự báo trái phiếu doanh nghiệp sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2021. (Ảnh minh hoạ)

Năm 2020 khép lại với sự tăng trưởng mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) huy động thành công hơn 400 nghìn tỷ đồng, bằng 14,7% GDP. Trong đó, ghi nhận hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ khủng của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).

"Sức hấp dẫn" đến từ lãi suất

Theo nhận định của các chuyên gia, trong quý I/2021, TPDN sẽ là kênh hút vốn mạnh trên thị trường. Lý do, hiện nay nhiều kênh đầu tư đang gặp khó khăn như vàng giảm mạnh, đồng USD dù tăng giá nhưng không ổn định…trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngày càng xuống thấp.

“Trong tháng 1, đặc biệt sau Tết Nguyên đán nguồn tiền nhàn rỗi sẽ có nhiều hơn và kênh TPDN được dự báo sẽ là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư”, một chuyên gia cho hay.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều chuyên gia lo lắng là hiện nay sức hút của TPDN không đến từ chất lượng kinh doanh, mà đến từ lãi suất được doanh nghiệp đưa ra “câu nhử”, dù phần lớn trong số đó không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm là chính trái phiếu.

 

Thực tế, có nhiều cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh ở giai đoạn cuối năm 2020, thời điểm xuất hiện nhiều thương vụ phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Có thể kể đến một số cái tên như Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Quảng lý Biển Đông (1.320 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (1.000 tỷ đồng).

Đáng lưu ý, sức hấp dẫn của cuộc đua phát hành trái phiếu lại đến từ cam kết lãi suất chi trả có khi lên đến 18%/năm, như lô trái phiếu Happy18 Bond của Apec Group, trong khi không bắt buộc về các tài sản đảm bảo cũng như thường không được bảo lãnh thanh toán mà chỉ bảo lãnh phát hành.

Một số liệu thống kê cho thấy dù tỷ lệ TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo yếu chiếm đa số, song tỷ lệ phát hành/chào bán thành công vẫn lên đến 98%, điều này cho thấy nhu cầu thị trường đang ở mức cao.

Đáng chú ý, BĐS vẫn đứng đầu về lượng TPDN phát hành, trong tổng số 88 doanh nghiệp phát hành, chỉ có 16 doanh nghiệp niêm yết, còn lại là trái phiếu 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành.

Đây là hiện tượng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. Trong trường hợp lượt phát hành sau không thành công lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao.

 

Rủi ro cao

Nhận định về diễn biến trên của thị trường, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán SSI phân tích, nếu dùng chính trái phiếu làm tài sản đảm bảo thì rủi ro cũng chẳng khác gì trái phiếu không có tài sản đảm bảo.

“Chúng tôi không đánh giá cao chất lượng tài sản đảm bảo là cổ phiếu vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán/phá sản. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi xem xét đầu tư vào các trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu”, SSI khuyến cáo.

Phân tích những rủi ro đến từ nhóm trái phiếu BĐS của các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành trong thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường BĐS diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư khi sở hữu trái phiếu.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải được khoản nợ lớn đã phát hành.

 

Đối với doanh nghiệp BĐS, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng. Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ.

Một vấn đề khác, cũng đang gây nhiều nghi ngại trên thị trường TPDN đó là khách hàng mua TPDN lớn nhất trên thị trường là các nhà băng, với lượng TPDN mà các ngân hàng nắm giữ lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia tài chính, việc ngân hàng đa dạng hóa danh mục trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng khó khăn không phải là xấu, tuy nhiên, việc ngân hàng tăng đầu tư TPDN sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định đã phát sinh việc tổ chức tín dụng mua TPDN với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để cơ cấu lại nợ.

Bởi vậy, bên cạnh hạn chế sức nóng của thị trường TPDN với nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng cần siết chặt hoạt động đầu tư TPDN của các ngân hàng, để vừa tránh rủi ro cho ngân hàng, doanh nghiệp, vừa bảo vệ nhà đầu tư.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm