Cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước, vì sao ế?
Doanh thu Rạng Đông gần 1.500 tỷ đồng, quyết lấn sân địa ốc / Michael Kors sắp thâu tóm Versace với giá 2 tỷ USD?
Ế tràn lan
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tại phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 5/9, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chào bán 488,8 triệu cổ phần, tương đương 34,8% lượng cổ phần của công ty. Giá khởi điểm được Vinalines đưa ra 10.000 đồng/cổ phần. Với số cổ phần chào bán lớn như trên nhưng phiên đấu giá chỉ có 42 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Kết thúc phiên đấu giá, số cổ phần đấu giá thành công gần 5,44 triệu cổ phần với giá trung bình 10.002 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán thành công hơn 54 tỷ đồng. Sau IPO, Vinalines mới chỉ bán thành công 0,38% vốn tương ứng với 1,1% lượng cổ phần chào bán và có thể gọi là phiên IPO “ế nặng”.
Vinalines là một trong những DNNN có thương vụ IPO không thành công. Ảnh: Minh Châu
Một thương vụ khác cũng không được như ý muốn là phiên chào bán cổ phần IPO của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) vào tháng 2/2018. Số lượng cổ phần đăng ký trong phiên đấu giá chỉ chiếm 1/5 khối lượng nhà nước muốn bán. Phiên IPO chỉ thu hút 499 nhà đầu tư đăng ký mua với khối lượng gần 101 triệu cổ phần, trong khi có tới 475,1 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Trong đó, các cá nhân trong nước đăng ký mua 34,2 triệu cổ phần, cá nhân nước ngoài đăng ký mua 507.200 cổ phần, tổ chức trong nước sẽ gom 39,4 triệu cổ phần và tổ chức nước ngoài mua 26,6 triệu cổ phần.
Kết thúc phiên đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá đúng khối lượng đã đăng ký. Với mức giá khởi điểm 13.000 đồng cho mỗi cổ phần, các nhà đầu tư đặt mua trúng giá cao nhất là 20.800 đồng/cổ phần. Số tiền nhà nước thu về trong đợt đấu giá này là 1.311 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 21% kế hoạch.
Một thương vụ IPO thất bại khác của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGenco3), bán đấu giá công khai 267 triệu cổ phần, chiếm 12,8% trên tổng vốn điều lệ 20.809 tỷ đồng ra công chúng. Với mức giá khởi điểm được xác định là 24.600 đồng/cổ phần, nhà nước dự kiến thu về 6.569 tỷ đồng theo giá khởi điểm. Tuy nhiên, chỉ có 336 nhà đầu tư tham gia đấu giá; tổng khối lượng đặt mua chỉ hơn 7,5 triệu cổ phần, chiếm chưa đầy 3% lượng cổ phần chào bán ra công chúng.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều thương vụ IPO DNNN chưa thành công là số lượng cổ phiếu DNNN chào bán quá ồ ạt. Lượng cổ phiếu bán ra thị trường lớn, trong khi các doanh nghiệp này cũng không phải quá tên tuổi đình đám và lợi nhuận từ kinh doanh chưa thực sự nổi bật, do đó “ì ạch” ế cổ phần là điều đương nhiên.
DN thua lỗ, tỷ lệ vốn nhà nước lớn khiến NÐT e ngại
Nhà đầu tư (NĐT) chưa mặn mà với các thương vụ IPO DNNN kể trên còn bởi e ngại tình trạng thua lỗ của DN trong những năm trước đó. Tiêu biểu như Vinalines, hầu hết các công ty vận tải biển thuộc tập đoàn này đều thua lỗ, thậm chí âm vốn chủ sở hữu. Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 cho thấy, Vinalines vẫn còn lỗ lũy kế 3.253 tỷ đồng. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đạt lần lượt là 28.137 tỷ đồng và 7.969 tỷ đồng. Thậm chí, trước đó, Vinalines đã từng có thời điểm lỗ lũy kế tới 22.000 tỷ đồng và Nhà nước từng cân nhắc việc cho Vinalines phá sản.
Bên cạnh lỗ luỹ kế, Vinalines còn vướng số nợ phải trả. Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào tổng công ty trước thềm IPO, lãnh đạo Vinalines cho biết, nợ của công ty mẹ hiện còn 2.000 tỷ đồng do đã tái cơ cấu.
Hơn nữa, trên sàn chứng khoán, các công ty con hoặc liên kết của Vinalines như Vosa, Đông Đô, vận tải Biển Bắc... đang giao dịch với thị giá cổ phiếu dưới 2.000 đồng, thậm chí vài trăm đồng. Những lí do trên khiến NĐT e ngại cổ phiếu của DN này.
Đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam, theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt, vốn điều lệ của VRG sau cổ phần hóa dự kiến là 40.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ cổ phần. Nhà nước sẽ vẫn giữ 75% cổ phần và hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia làm cổ đông chiến lược cũng được xem là nguyên nhân khiến đợt IPO trở nên kém sức hút.
Đánh giá về câu chuyện DNNN thất bại trong thương vụ IPO, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thời gian qua số lượng DNNN bán nhiều nhưng số vốn thu về còn ít. Vốn nhà nước cổ phần hóa chào bán vào thời điểm nhà đầu tư không quan tâm chắc chắn không bán được.
“Bán vốn nhà nước cần khôn ngoan và có chiến lược hơn. Không phải ra chiến lược cổ phần hóa DNNN hôm trước, hôm sau ồ ạt quẳng hết vốn ra thị trường để bán”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng cho rằng, để tránh “vết xe đổ” những thương vụ IPO không thành công trong năm 2018, cơ quan chức năng sẽ bán vốn DNNN đúng kế hoạch, lựa chọn thời điểm phù hợp để đạt giá trị cao nhất.
“Ðể tránh “vết xe đổ” những thương vụ IPO không thành công trong năm 2018, cơ quan chức năng sẽ bán vốn DNNN đúng kế hoạch, lựa chọn thời điểm phù hợp để đạt giá trị cao nhất”. Ông Phan Ðức Hiếu,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương |
End of content
Không có tin nào tiếp theo