Hỗ trợ doanh nghiệp

CS-MAP cần được sử dụng rộng rãi để ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành trồng trọt

DNVN - Trả lời phỏng vấn nhân Lễ ra mắt Bộ ấn phẩm Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (CS-MAP), ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến nghị CS-MAP cần được đưa vào hệ thống chính sách chung hỗ trợ thực thi Nghị quyết 120.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững / Cần tháo gỡ rào cản để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao


Lễ ra mắt Bộ ấn phẩm Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (CS-MAP).

Lễ ra mắt Bộ ấn phẩm Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (CS-MAP) vào ngày 19/10/2021.


CS-MAP vừa được ra mắt sáng 19/10 và chuyển giao cho các đối tác địa phương. Xin ông cho biết, để áp dụng hiệu quả và thiết thực CS-MAP, góp phần hỗ trợ phát triển chính sách nông nghiệp Việt thì cần có những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Như Cường: Có thể khẳng định, việc sử dụng CS-MAP là hết sức cần thiết vào quá trình thực thi những chính sách chung của Đảng và Chính phủ để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu rất rõ ràng, hạn hán xâm nhập thường xuyên, do vậy, chúng ta cần phải có những chính sách để hỗ trợ một cách tổng thể cho người dân. Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ riêng về mặt kỹ thuật để giúp cho người dân thích ứng tốt nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu. CS-MAP là một công cụ hỗ trợ người dân trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt chống hạn mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến nghị CS-MAP cần đưa vào hệ thống chính sách chung.

Ngoài ứng dụng vào sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn quả, tới đây, CS-MAP còn ứng dụng vào các hoạt động sinh thái khác. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng này CS-MAP của trong tương lai?
Ông Nguyễn Như Cường: CS-MAP là công cụ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các cơ quan chuyên môn thực hiện chỉ đạo sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc CS-MAP là áp dụng trên hoạt động trồng lúa đã có hiệu quả rất tốt. CS-MAP cũng được tiến hành thực hiện trên một số đối tượng cây lâu năm.
Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam là đa dạng về địa hình, đa dạng về loại cây trồng và ảnh hưởng về khí hậu rất khác nhau tới từng địa phương, do vậy, chúng ta phải sử dụng CS-MAP một cách linh động và phù hợp cho từng đối tượng và từng địa phương.
Trên cơ sở CS-MAP được xây dựng trên sự hợp tác của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp và An ninh Lương thực (CCAFS) Đông Nam Á, CS-MAP sẽ được phát triển theo hướng mở rộng áp dụng tới nhiều đối tượng hơn, theo những điều kiện cụ thể hơn của từng địa phương và phù hợp hơn những kịch bản hạn mặn trong biến đổi khí hậu khác nhau.
Cục Trồng trọt đề xuất sẽ mở rộng ứng dụng CS-MAP và lồng ghép vào khung chính sách. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong tổng thể phát triển chung của ngành nông nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Chúng ta phải xác định CS-MAP là công cụ rất tốt cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành trồng trọt. Tuy nhiên, để thực hiện rộng rãi và đảm bảo được nguồn lực hỗ trợ và tổng hợp được tất cả các nguồn lực thì chúng ta phải đưa vào CS-MAP trong một hệ thống chính sách chung.
Chúng ta cần có sự hỗ trợ về tài chính, về tuyên truyền phổ biến thông tin, đào tạo và bồi dưỡng để cán bộ địa phương có thể thuần thục CS-MAP. Để thực hiện CS-MAP hiệu quả, nhất là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thì không thể chỉ như giải pháp kỹ thuật đơn thuần mà phải đưa CS-MAP vào các đề án, chính sách, chương trình phát triển chung của ngành, địa phương.
Do điều kiện nguồn lực, CS-MAP mới chỉ xây dựng trên phạm vi tỉnh và xây dựng điểm trên một số huyện, xã. Để CS-MAP được ứng dụng rộng rãi và thích ứng được với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng điều kiện cụ thể của biến đổi khí hậu, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng, cập nhật xuống từng huyện, từng xã và thậm chí từng ấp. Làm sao để người dân có thể tham gia vào vận hành CS-MAP hiệu quả, rộng rãi hơn, chủ động hơn với ứng phó với biến đổi khí hậu.
CS-MAP chính là một trong những công cụ hỗ trợ thực Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Nghị quyết 120. Tất nhiên, để thực hiện Nghị quyết này chúng ta cần rất nhiều chính sách, nguồn lực, công cụ và cần sức mạnh tổng hợp của nguồn lực trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông!
Hà Anh (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm