Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Hai doanh nghiệp đầu tiên được hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ năm 2021

DNVN - Chiều 18/2, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã đến dự buổi gặp mặt và trực tiếp trao kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ cho Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường và Công ty CP Công nghệ QCM. Đây là hai doanh nghiệp đầu tiên được UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí đổi mới công nghệ trong năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kiến nghị của Đà Nẵng về sân bay quốc tế, cảng Liên Chiểu / CDC Đà Nẵng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 người đến từ Hải Dương, Quảng Ninh

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) Đà Nẵng cho hay, ngày 9/12/2020, UBNDTP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 4830/QĐ-UBND hỗ trợ 930 triệu đồng cho Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường và Quyết định 4831/QĐ-UBND hỗ trợ phí 524 triệu đồng cho Công ty CP Công nghệ QCM để nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị có hàm chứa công nghệ tiên tiến. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN năm 2021.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh (bìa trái) và Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng lê Đức Viên trao kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ cho Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường và Công ty CP Công nghệ QCM

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh (ngoài cùng bên trái) và Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng Lê Đức Viên (ngoài cùng bên phải) trao kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ cho Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường và Công ty CP Công nghệ QCM.

Đây là hai doanh nghiệp đầu tiên được UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ đổi mới công nghệ trong năm 2021. Trong đó, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường là doanh nghiệp KH&CN, có nhiều nghiên cứu đổi mới công nghệ, là đơn vị cơ khí đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu chế tạo máy lốc thép tấm dày đến 80mm, tạo ra sản phẩm có chất lượng tương đương thế giới, thay thế máy nhập ngoại.

Đặc biệt, phương pháp chế tạo trục lô có độ bền cao hơn 1,5 lần so với trục thông thường, có độ chống cong, chống uốn xoắn và chống nứt gãy tốt đã được đăng ký sở hữu trí tuệ của ông Hà Giang – Chủ tịch HĐQT Công ty. Nghiên cứu này nếu được phát triển rộng rãi sẽ là cơ sở để thu nhỏ kích thước rất nhiều máy móc thiết bị, giảm chi phí, tăng độ bền dẫn đến việc tiêu thụ sắt thép giảm, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên; từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

“Trong bối cảnh các thiết bị lốc thép tấm tạo ra các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về kích cỡ, chất lượng cho các dự án điện gió, thủy điện… hiện nay được nhập hoàn toàn từ nước ngoài với giá thành cao thì việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị gặp nhiều khó khăn thì việc chế tạo thành công và làm chủ công nghệ máy lốc thép tấm dày 20mm-80mm góp phần tạo ưu thế cạnh tranh cho Công ty trong quá trình đàm phán các hợp đồng chế tạo, sản xuất” – ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng nói.

Đối với Công ty CP Công nghệ QCM, Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng Lê Đức Viên cho biết, đây là doanh nghiệp KH&CN, chuyên nghiên cứu về các giải pháp công nghệ cơ khí tự động hóa phục vụ nông nghiệp, chế biên nông sản thực phẩm và một số ngành sản xuất khác.

Trong đó, máy nướng bánh từ trường do Công ty CP Công nghệ QCM chế tạo là dây chuyền sản xuất nướng bánh quy mô công nghiệp, hiện đại; công suất hoạt động của máy 195kW, nhiệt độ hoạt động: 170-200oC, tốc độ băng tải từ 0-10m/phút, hệ thống khuôn bánh gồm 64 khuôn, điều khiển tự động bằng phần mềm tiếng Việt, tích hợp các yếu tố công nghệ tiên tiến, có thể điều khiển và dễ dàng sử dụng với giao diện đơn giản. Công nghệ này hoàn toàn có thể phát triển các máy móc phục vụ ngành nông nghiệp cũng như ngành sản xuất, chế biến thực phẩm.

Dây chuyền nướng bánh công nghệ từ trường của Công ty CP công nghệ QCM đã được thương mại hóa và ứng dụng tại Công ty TNHH Đông Phương trong sản xuất bánh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Theo đánh giá của Công ty TNHH Đông Phương, máy nướng bánh từ trường hoạt động ổn định, tăng năng suất 1,5 lần, giảm tỉ lệ sản phẩm lỗi so với máy nướng bánh trước đây.

“Việc sử dụng máy nướng bánh từ trường góp phần cải thiện môi trường làm việc (nhiệt độ môi trường làm việc giảm từ 5-7oC so với sử dụng điện và gas; giảm áp lực cho hệ thống thông khí nhà xưởng sản xuất), giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân, tiết kiệm năng lượng (tiết kiệm 14,8% so với dùng gas) và giảm khả năng cháy nổ, đảm bảo an toàn lao động” – Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng Lê Đức Viên cho biết.

Cũng theo ông Lê Đức Viên, trong quá trình hoạt động, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường và Công ty CP Công nghệ QCM luôn thực hiện tốt công tác nộp thuế, không xảy ra tình trạng nợ đọng thuế. Đồng thời luôn quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ công nhân viên, nâng cao thu nhập cho người lao động. Các chương trình thiện nguyện, an sinh xã hội cũng được hai Công ty thường xuyên hưởng ứng, tham gia; đóng góp tích cực trong phong trào khuyến khích hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ và truyền cảm hứng khởi nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, trong những năm qua cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng luôn tích cực đổi mới công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất mới phù hợp với thời đại. Chính quyền TP cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy sản xuất, nhưng để các cơ chế sách được đến với các doanh nghiệp là cả một vấn đề.

Ông Lê Trung Chinh yêu cầu Sở KH-CN tiếp tục có những chính sách hiệu quả, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của thành phố, triển khai các biện pháp phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao, đóng góp vào sự phát triển chung của TP.

“Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục tích cực đổi mới công nghệ, vì chính đổi mới công nghệ chúng ta mới tạo ra sản phẩm chất lượng có thể cạnh tranh thị trường trong nước và thế giới. UBND TP Đà Nẵng sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp có thể thay đổi phương pháp sản xuất, phát triển kinh doanh.” - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung, HĐND TP Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 18/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 và Nghị quyết 194/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 36/2016/QĐ-UBND ngày 08/11/2016 và Quyết định 26/2019/QĐ-UBND ngày 16/5/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn TP Đà Nẵng và giao Sở KH-CN là đơn vị chủ trì triển khai thực hiện.

Các nội dung hỗ trợ chủ yếu của chính sách tập trung vào: Hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ (Đối với các nội dung về mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật; mua thiết bị có hàm chứa công nghệ; Nghiên cứu tạo công nghệ, giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ, thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao, cải tiến công nghệ, đổi mới quy trình công nghệ …)

Hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ (Đối với các nội dung về xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; đánh giá chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ…)

Đây là chính sách đặc thù riêng của TP Đà Nẵng đã được triển khai có hiệu quả trong thực tế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, thay thế được hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Việc triển khai thực hiện chính sách đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KH-CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống và góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất.

Từ năm 2017 đến nay, Sở KH-CN Đà Nẵng đã hỗ trợ cho 34 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giải ngân kinh phí hỗ trợ 6.136 triệu đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm mới như: Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty CP Công nghệ QCM, Công ty CP Điện Trường Giang, Công ty CP Công nghệ Đức Huy, Công ty CP Nhôm kính Nam Ân, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Minh Thành Lợi…

Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ để khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của TP Đà Nẵng.

Trong đó, tiêu biểu có dự án chế tạo máy sản xuất khẩu trang tự động cho các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên cả nước phục vụ trực tiếp cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19; dự án đầu tư thiết bị công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp...

Sở KH-CN Đà Nẵng cũng đã ban hành Hướng dẫn số 05/HD-SKHCN ngày 09/10/2020 tổng hợp toàn bộ các nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của thành phố để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách và đề xuất hỗ trợ.

Đồng thời Sở đã tích cực làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp, khảo sát và hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đổi mới công nghệ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp biết đến chính sách nhiều hơn và đề xuất hỗ trợ. Kết quả trong năm 2020, Sở KH-CN Đà Nẵng đã hỗ trợ cho 16 lượt doanh nghiệp với tổng kinh phí là 3.011 triệu đồng.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm