Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Tìm giải pháp đầu tư phù hợp trong phát triển nhà ở cho công nhân

DNVN - Cho đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa có khảo sát, cập nhật cụ thể nhu cầu nhà ở thực tế của công nhân, người lao động (NLĐ) trong các KCN. Do đó chính quyền TP và nhà đầu tư khó có cơ sở để quyết định các giải pháp đầu tư phát triển nhà ở công nhân cho phù hợp.

Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn Quỹ Đầu tư phát triển để phục hồi sản xuất / Chủ tịch Đà Nẵng làm Tổ trưởng liên ngành xúc tiến và hỗ trợ đầu tư

Lực lượng lao động trong các KCN trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của Đà Nẵng. Để giữ chân NLĐ, bên cạnh chế độ về tiền lương, thu nhập, chính quyền TP nói chung và các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe, đặc biệt là vấn đề “an cư lạc nghiệp” cho họ.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng trả lời phỏng vấn Doanh nghiệp Việt Nam

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng trả lời phỏng vấn Doanh nghiệp Việt Nam

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng về vấn đề này.

Xin ông cho biết tình hình phát triển các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng trong những năm qua?

Ông Phạm Trường Sơn: Từ một KCN được thành lập năm 1993, sau khi chia tách và trở thành TP trực thuộc Trung ương, đến nay Đà Nẵng đã có 6 KCN đang hoạt động. Tổng diện tích các KCN hiện trạng là 1.066,52ha, giải quyết cho khoảng 72.000 lao động. Có 3 KCN mới đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư với tổng diện tích 880,139 ha, ước tính sẽ thu hút số lượng công nhân khoảng 26.000 người.

Ngoài ra, TP Đà Nẵng còn có 1 Khu Công nghệ cao diện tích 1128,4 ha với tổng số lao động hiện tại là 1.289 người; 1 Khu Công nghệ thông tin tập trung diện tích giai đoạn 1 là 131 ha; các khu công viên phần mềm, 01 cụm công nghiệp... (gọi chung là KCN).

Đến nay, các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đã thu hút 505 dự án (gồm 376 dự án trong nước, 129 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư 27.680 tỷ đồng và 1,845 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,09 tỷ USD (chiếm tỷ lệ 71,5% toàn TP); kim ngạch nhập khẩu đạt 995,611 triệu USD (chiếm tỷ lệ 82,15% toàn TP); nộp ngân sách 5.579,061 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 25,23% toàn TP); giải quyết việc làm cho 68.440 lao động (chiếm tỷ lệ 18,55% lực lượng lao động toàn TP).

Trong sự phát triển đó, vấn đề nhà ở chongười lao động trong các KCN trên địa bàn Đà Nẵng đã được chăm lo như thế nào?

Ông Phạm Trường Sơn: Có thể thấy rõ, lực lượng lao động trong các KCN trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc phát triển của TP Đà Nẵng. Để giữ chân NLĐ, bên cạnh chế độ về tiền lương, thu nhập, chính quyền TP nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần quan tâm hơn đến việc quản lý toàn diện NLĐ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe, đặc biệt là vấn đề “an cư lạc nghiệp” cho họ, động viên họ yên tâm công tác, góp phần vào công cuộc phát triển chung của TP.

Tuy nhiên các KCN tại Đà Nẵng có lượng lớn lao động là người ngoại tỉnh (27.376 người, chiếm tỷ lệ 40 %) và người lao động nước ngoài (308 người). Phần đông lao động ngoại tỉnh đang thuê trọ tại các khu dân cư, không thuận lợi cho công tác quản lý, tuyên truyền, các hoạt động thiết chế, văn hóa... Do vậy, ngoài công tác quản lý nhà nước về lao động tại các KCN theo quy định pháp luật hiện hành còn nhiều vấn đề phải quan tâm, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, NLĐ tại các KCN.

Về thực trạng phát triển nhà ở cho NLĐ làm việc trong các KCN, có thể thấy tất cả các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng đều thuộc mô hình KCN đơn thuần, không phải là mô hình KCN - đô thị - dịch vụ. Từ năm 2015, các KCN đang hoạt động đã lấp đầy hơn 85%. Quỹ đất trống tại các KCN nhỏ lẻ, xen lẫn giữa các nhà máy, bên trong ranh giới các KCN. Do đó, để đảm bảo môi trường cho khu dân cư, đảm bảo các quy định về khoảng cách ly môi trường, việc quy hoạch Nhà ở xã hội dành cho công nhân đều được lập, phê duyệt ven ranh giới các KCN trên địa bàn.

Hiện nay, nhằm đảm bảo nhu cầu có nhà ở cho NLĐ, đặc biệt là NLĐ tại các KCN, TP Đà Nẵng đã ban hành một số chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Các dự án đầu tư có vị trí lân cận ranh giới các KCN trên địa bàn TP nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho NLĐ, đặc biệt là công nhân tại khu vực các KCN.

Hình thức đầu tư các dự án Nhà ở xã hội hầu hết là xã hội hóa, thu hút đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. Riêng dự án Nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. TP Đà Nẵng cũng đã quy hoạch quỹ đất để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở công nhân từ nguồn vốn xã hội hóa.

Hiện việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho NLĐ trong các KCN trên địa bàn Đà Nẵng còn gặp những khó khăn gì?

Ông Phạm Trường Sơn: Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có khảo sát, cập nhật cụ thể nhu cầu nhà ở thực tế của công nhân, NLĐ. Do đó chính quyền TP Đà Nẵng và nhà đầu tư khó có cơ sở để quyết định các giải pháp đầu tư phù hợp trong việc phát triển nhà ở công nhân. Số lượng và chất lượng nhà ở hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của công nhân.

Công nhân các KCN thường có mức thu nhập thấp, mức chi trả cho chỗ ở không cao. Một số chung cư dành cho công nhân đã được xây dựng nhưng nhiều NLĐ không ở bởi thiếu đồng bộ về hạ tầng xã hội, như: không có nhà trẻ, trường học, siêu thị, trạm y tế, nhà văn hóa… Các khu chung cư trung, cao cấp với đầy đủ các tiện ích xã hội vượt quá khả năng chi trả của công nhân lao động.

Công nhân lao động trong KCN hiện nay chủ yếu ở theo các hình thức như ở cùng gia đình hoặc nhà riêng, ở nhà trọ của tư nhân hoặc ở nhà thuê của doanh nghiệp. Do thu nhập thấp nên đa số thuê nhà giá rẻ, hoặc thuê chung, ở ghép, chất lượng nhà cho thuê kém. Việc thuê nhà trọ với chi phí thấp còn tiềm ẩn tệ nạn xã hội, nguy cơ tha hóa một bộ phận NLĐ là điều khó tránh khỏi.

Trong bối cảnh đó, việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư chung cư cho NLĐ còn khó khăn do các cơ chế chính sách trong việc đầu tư nhà ở xã hội của nhà nước chưa rõ ràng, lợi nhuận định mức thấp hơn các loại hình đầu tư khác, thủ tục đầu tư phức tạp, bị ràng buộc bởi nhiều quy định trong khi lại không được chủ động trong công tác triển khai, khai thác nên nhiều nhà đầu tư ngại làm, thiếu quỹ đất sạch, vốn xây dựng.

Thực tế các dự án Nhà ở xã hội cho công nhân, NLĐ trong các KCN trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy việc đầu tư một cách bài bản, đồng bộ các thiết chế hầu như chưa có. Chỉ một số ít doanh nghiệp FDI quan tâm đầu tư nhà trẻ, nhà ở, nhà sinh hoạt công cộng cho NLĐ nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Trước những khó khăn, vướng mắc đó, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng có kiến nghị gì để tăng cường giải quyết nhu cầu nhà ở choNLĐtrong các KCN?

Ông Phạm Trường Sơn: Chúng tôi kiến nghị việc phát triển đô thị công nghiệp phải gắn với nhà ở công nhân theo hình thức KCN – đô thị - dịch vụ. TP Đà Nẵng cần khảo sát kỹ nhu cầu và có kế hoạch về nhà ở cho NLĐ; chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng các chung cư, nhà ở xã hội tại vị trí lân cận các KCN.

Đồng thời, việc phát triển nhà ở cho công nhân, NLĐ phải gắn liền với các dịch vụ dân sinh, các thiết chế văn hóa, cơ sở y tế, nhà trẻ, mẫu giáo, gắn với tăng trưởng xanh… nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống tinh thần, giải trí cho người lao động, tiết kiệm kinh phí trong quá trình vận hành, khai thác. Qua đó, có thể thu hút, giữ chân nhân lực lao động giỏi, các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần vào công cuộc phát triển chung của TP.

Cùng với đó, cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý, chính sách liên quan đến đầu tư nhà ở xã hội, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Có chính sách khuyến khích đầu tư nhà ở cho công nhân nhằm hỗ trợ công nhân “an cư lạc nghiệp”, tích cực tham gia sản xuất, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Theo kết quả khảo sát nhu cầu của công nhân tại các KCN do Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng thực hiện vào Quý III/2016, dự báo số công nhân có nhu cầu về nhà ở đến năm 2030 là 62.433 người. Một số dự án Nhà ở xã hội đã và đang triển khai tại khu vực các KCN trên địa bàn TP Đà Nẵng gồm:

- Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh: 1.404 căn hộ + 40 kiot, khối TDTT- dịch vụ (1.040m2 ), trường mẫu giáo (300m2 ). Hiện nay, dự án đã hoàn thành phần 6 block, đi vào hoạt động; đang tiếp tục xây dựng 2 block còn lại.

- Dự án Nhà ở công nhân lao động tại KCN Hòa Cầm: 8 khối nhà ở công nhân 5 tầng với 815 phòng; có siêu thị mimi, nhà trẻ, nhà để xe, cây xanh, khu thể thao. Hiện nay đã xây dựng hoàn thành giai đoạn 1.

- Nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside: Là công trình tổ hợp nhà ở xã hội, dịch vụ thương mại và chung cư chất lượng cao với 3358 căn hộ. Dự kiến sẽ được đưa vào vận hành giai đoạn 1 trong năm 2022.

- Một số dự án Nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, ưu tiên bố trí cho công nhân các KCN đang thu hút đầu tư: Nhà ở xã hội tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 2), Nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư Hòa Hiệp, Nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.

Hải Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm