Hỗ trợ doanh nghiệp

Đẩy mạnh kết nối để hàng Việt lan tỏa

Hơn 7 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên ước đạt trên 199 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Hà Nội dự kiến tăng cường 300 xe khách chạy dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 / Hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn luôn nhức nhối

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tiêu dùng toàn khu vực từ đầu năm đến nay cũng tăng 14,7% so với cùng kỳ. Hoạt động kết nối cung cầu, việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng được các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, ở khu vực đã tổ chức được 55 hội chợ, hỗ trợ nhiều lượt DN tham gia các hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường trong và ngoài nước.

Tăng cường kết nối để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Hà Bắc - Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, nhằm đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại trong khu vực, Sở Công thương các tỉnh, thành trong khu vực đã tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, với nhiều nội dung hợp tác phong phú, chất lượng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH ở mỗi địa phương.

Theo đại diện một số DN trên địa bàn, các hoạt động kết nối nối cung cầu, tiêu thụ hàng Việt được tổ chức ở khu vực đã góp phần hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Đại diện Hợp tác xã Xuân Phúc (Lâm Đồng) cho biết, mỗi lần tham gia kết nối cung - cầu, HTX lại tìm thêm được những bạn hàng mới. Ngoài việc cung ứng sản phẩm, đây cũng là cơ hội để HTX tìm bạn hàng, liên kết với các đơn vị để lấy nguồn hàng cung ứng cho hệ thống các cửa hàng trên toàn quốc.

Tương tự, theo đại diện Big C Việt Nam với hệ thống phân phối rộng lớn, phục vụ hơn 60 triệu lượt khách hàng mỗi năm. Việc tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, ngoài ký kết biên bản thỏa thuận, ghi nhớ nội dung hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm chúng tôi còn tìm hiểu, kết nối được các nhà cung cấp ở các địa phương. Để từ đó, có thể phục vụ khách hàng những sản phẩm hàng Việt tốt nhất.

Ông Nguyễn Lộc An - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành mối liên kết quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự liên kết, hợp tác, đồng hành giữa các DN. Qua đó tạo ra sự kết nối, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc sản vùng miền với mục tiêu gắn kết, chia sẻ, tạo sự đồng thuận cho việc hình thành các hợp đồng ký kết trao đổi, tiêu thụ sản phẩm có chất lượng trong nước đến với người tiêu dùng...

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc kết nối tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước vẫn còn những khó khăn. Trong đó, hầu hết các mối liên kết mới chỉ dừng lại ở sự kết nối giữa DN sản xuất với DN thương mại. Bên cạnh đó, một số DN còn e ngại, chưa thực sự cởi mở chia sẻ thông tin, chưa chủ động quan tâm đến vấn đề hợp tác cung ứng hàng hóa, dịch vụ ngay ở thị trường trong nước...

Bởi vậy, để hoạt động kết nối cung - cầu gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có hiệu quả hơn, các địa phương cần tăng cường hơn nữa hoạt động này. Đồng thời, chủ động khảo sát, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu kết nối cung - cầu phù hợp với thực tế.

Về phía các DN cũng cần có ý thức về việc tiếp tục đầu tư công nghệ, sản xuất sản phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Từ đó, giúp hàng Việt định vị trong tâm trí người tiêu dùng, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.

Theo Thời báo ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo