Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồ chơi trẻ em: Doanh nghiệp nội loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường

DNVN - Mặc dù vài năm gần đây hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng, song thị trường đồ chơi trẻ em, hàng ngoại (chủ yếu là hàng Trung Quốc) vẫn chiếm ưu thế. Điều này khiến doanh nghiệp nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn trước sức ép từ sản phẩm ngoại nhập.

Hàng “made in China” ngập thị trường

Thời điểm đầu năm mới, thị trường đồ chơi trẻ em trở nên sôi động. Nhiều cửa hàng buôn bán đồ chơi trẻ em đã nhập về rất nhiều mặt hàng, với những đơn đặt hàng lớn. Trong đó, đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường

Dạo qua một số tuyến đường có nhiều cửa hàng chuyên bán đồ chơi cho trẻ em trên địa bàn TP.HCM như Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), Hoàng Văn Thụ (quận Bình Thạnh)… có thể dễ dàng nhận thấy, những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm ưu thế trên thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều mang dòng chữ “Made in China”.

Các mặt hàng này đều có giá chỉ vài chục ngàn đến trên dưới 200 ngàn đồng, rẻ, lại sặc sỡ bắt mắt nên bán rất chạy

Đồ chơi Trung Quốc có giá chỉ vài chục ngàn đến trên dưới 200 ngàn đồng, rẻ, lại sặc sỡ bắt mắt nên bán rất chạy (Ảnh: VĐ)

Tại cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Lê Trọng Tấn cũng có đến hàng nghìn đồ chơi nhưng tìm “mỏi mắt” không thấy hàng Việt Nam. Chị Trần Chu Duyên - nhân viên cửa hàng cũng khẳng định, tất cả đồ chơi ở đây đa phần là hàng nhập về từ Trung Quốc. Trước đây, cửa hàng có nhập một số sản phẩm đĩa bay, người máy nhún nhảy theo nhạc do Việt Nam sản xuất nhưng giá đắt nên bán không “chạy”.

Theo chị Duyên, đồ chơi trẻ em chủ yếu tiêu thụ mạnh vào dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu… nhưng gần đây, đồ chơi trẻ em sức mua rải quanh năm. Ngoài nguyên nhân mức sống ngày càng cao nên trẻ em được quan tâm, tạo điều kiện hơn mà còn bởi đồ chơi trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú về chủng loại mà giá thành khá “mềm”, đặc biệt là hàng Trung Quốc nên các bậc phụ huynh không cần phải quá đắn đo khi quyết định mở hầu bao mua một sản phẩm cho trẻ.

“Ví dụ nếu chọn một con vịt cao su của Việt Nam sản xuất thì giá của nó sẽ từ 90.000 - 160.000 đồng/con. Nhưng nếu anh chọn hàng Trung Quốc thì chỉ 20.000-40.000 đồng/con. Tương tự nếu anh mua mấy đồ chơi sản xuất trong nước, giá cũng nhỉnh hơn hàng Trung Quốc ít nhất từ 1-2 lần là bình thường”, chị Duyên cho biết.

Mẫu đồ chơi đóng hộp này có nguồn gốc Trung Quốc nhưng không thể tìm thấy nhãn phụ tiếng Việt và dấu CR đâu (Ảnh: VĐ)

Mẫu đồ chơi đóng hộp này có nguồn gốc Trung Quốc nhưng không thể tìm thấy nhãn phụ tiếng Việt và dấu CR đâu (Ảnh: VĐ)

 

Tại một nhà sách nằm trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), rất nhiều đồ chơi như búp bê Marbie, chú Minion, xe điều khiển, bộ đồ chơi nhà bếp, bác sĩ,... có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán đa dạng về mẫu mã và giá cả.

Cụ thể, bộ đồ chơi bác sĩ có giá dao động từ 60.000 – 90.000 đồng/bộ, các mẫu búp bê tùy loại giá từ 80.000 – 150.000 đồng/bộ. Đặc biệt, tại đây còn bán miếng dán đồ chơi nhựa (sticker) rất phổ biến và được trẻ em yêu thích giá chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/miếng.

Cửa nào cho doanh nghiệp sản xuất đồ chơi Việt Nam?

Tiết lộ của một số chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, hiện nay trên thị trường TP.HCM một số sản phẩm đồ chơi Việt Nam nhưng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. “Chủ yếu là hàng Trung Quốc thôi, kể cả những sản phẩm ghi “made in Vietnam” nhưng đều đặt Trung Quốc làm hết. Người ta chỉ “copy” nội dung trên mạng rồi đưa vào nên mới thế”, một chủ cửa hàng khác trình bày.

 

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công Ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Và Dịch Vụ Tia Sáng - sản xuất đồ chơi tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc thường có giá rẻ, đi liền với chất lượng không tốt và phần lớn sản phẩm được sản xuất từ các loại nhựa tái chế.

Khách hàng chọn mua đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Ảnh: VĐ)

Khách hàng chọn mua đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Ảnh: VĐ)

Nhiều sản phẩm của Trung Quốc có tiêu chuẩn chất lượng không rõ ràng, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua như một thói quen, nhất là khi nguồn cung quá nhiều, quá đa dạng và phong phú lại được tạo điều kiện bởi nhiều đơn vị phân phối vẫn còn nặng về hiệu quả kinh doanh.

Theo vị này, một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong nước sản xuất đồ chơi trẻ em còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khiến sản phẩm luôn ra đời chậm, khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Mỗi khi doanh nghiệp khi thay đổi sản phẩm lại phải làm chứng nhận, kiểm tra chất lượng, kiểm định định kỳ trong nhiều tháng trời.

 

.

Mỗi khi doanh nghiệp khi thay đổi sản phẩm lại phải làm chứng nhận, kiểm tra chất lượng, kiểm định định kỳ nhiều tháng trời,điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh: DN)

Trong khi để nghiên cứu ra khuôn mẫu sản phẩm doanh nghiệp đã mất từ 3 – 6 tháng, để ra sản phẩm hoàn chỉnh cần 3 tháng vì thế nhiều khi sản phẩm chưa kịp đưa ra thị trường đã phải kiểm tra lại theo định kỳ, điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, phát sinh các chi phí trung gian khác khiến giá thành sản phẩm tăng cao, sản phẩm giảm sức cạnh tranh với hàng ngoại.

Còn ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Thiết bị Đồ chơi Giáo dục Văn Minh, cho rằng, ngoài sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, ngành đồ chơi Việt Nam cũng cần nhận được nhiều ưu đãi và sự hỗ trợ hơn từ Nhà nước.

 

“Cần nhiều sự hỗ trợ hơn nửa mới mong ngành đồ chơi Việt phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại. Doanh nghiệp mong nhất là Nhà nước có những hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất đai, lãi suất, hỗ trợ xuất nhập khẩu…”, ông Minh mong muốn.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo