Doanh nghiệp Áo kỳ vọng những cơ hội lớn từ thị trường Việt Nam
Trang tin của Phòng Kinh tế liên bang Áo (WKO) vừa có bài viết đánh giá cao các biện pháp nhất quán, kiên quyết và hiệu quả trong phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam, đồng thời cho biết thị trường Việt Nam rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Áo.
Bình Phước: Chương trình "Thứ Ba máu lửa" tạo cầu nối cho hàng trăm startup / Chàng trai miền Trà Lân và duyên nợ với cây tre
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN.
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn bài viết trên trang news.wko.at phân tích về cách Việt Nam vượt qua khủng hoảng toàn cầu với một nền kinh tế năng động và các biện pháp kiềm chế dịch bệnh nhất quán. Theo bài viết, không phải vô cớ khi Trung tâm Quốc tế hóa Steiermark (ICS) của Áo đưa Việt Nam vào chương trình tiêu điểm trong năm nay, đó là nhờ nền kinh tế tăng trưởng 2,9% và đã vượt qua năm khủng hoảng 2020 một cách ấn tượng, thậm chí có thể đạt tăng trưởng từ 5 - 7% trong năm nay.
Đánh giá về lý do nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua khủng hoảng toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế nhiều nước chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Trưởng Văn phòng Thương vụ Đại sứ quán Áo tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Dietmar Schwank cho rằng Việt Nam thực thi kiềm chế dịch bệnh nhất quán và cách ly rộng rãi đối với người nhập cảnh trong đại dịch COVID-19. Chính sách này đã rất thành công cả về mặt y tế và kinh tế.
Việc đóng cửa biên giới, cách ly 14 ngày không có ngoại lệ và thực hiện nhất quán kế hoạch chống dịch tùy vào tình hình lây nhiễm tại địa phương, đã giúp Việt Nam kiềm chế được dịch lây lan. Trong khi đó, ngành du lịch - vốn trải qua "năm bùng nổ 2019" khi đạt 18 triệu lượt khách, bị sụt giảm trong năm 2020 nhưng có thể được bù đắp bằng đầu tư công, bằng lĩnh vực sản xuất hầu như không bị ảnh hưởng cũng như tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng có gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch. Về mặt chính trị và kinh tế vĩ mô, Việt Nam là quốc gia ổn định, trong đó chính sách then chốt là tự do hóa nền kinh tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả những yếu tố trên đã khiến Việt Nam trở nên rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Áo.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng mang lại nhiều thuận lợi cho việc hợp tác giữa hai bên. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Áo ở Đông Nam Á, với giá trị nhập khẩu từ nước này đạt khoảng một tỷ euro. Các doanh nghiệp Áo có thể nhìn nhận cơ hội kinh doanh mới nếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và y tế, bên cạnh các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ đô thị, môi trường, an ninh, quản lý thiên tai, sản phẩm công nghệ cao và máy móc sản xuất.
Việc ICS đưa Việt Nam vào tâm điểm chương trình năm 2021 sẽ mở ra chuỗi các sự kiện như các cuộc hội thảo và trao đổi thông tin, trong đó cao điểm là kế hoạch tổ chức chuyến đi tới Việt Nam vào mùa thu này. Theo ICS, các nhà xuất khẩu có thể được hưởng lợi về thuế quan với EVFTA trong nhiều năm tới và các doanh nghiệp Áo, hoạt động từ lĩnh vực cơ khí chế tạo máy đến thực phẩm và dược phẩm, sẽ có nhiều cơ hội khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo