Gạo ST24, ST25 bị "hớt tay trên": Bảo hộ sở hữu trí tuệ nông sản trở thành vấn đề cấp bách
DNVN - Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc gạo ST24, ST25 của Việt Nam bị đăng ký nhãn hiệu tại Úc và Mỹ cho thấy vấn đề đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản tại các thị trường xuất khẩu đã trở thành vấn đề cấp bách, nhất là trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.
VinSmart mở bán máy lọc không khí và giải pháp nhà thông minh độc quyền trên Vsmart online / Công bố học bổng nghiên cứu khoa học L’Oreal - UNESCO năm 2021
Thời gian gần đây, liên tiếp các doanh nghiệp Mỹ và Úc nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 của ông Hồ Quang Cua. Cụ thể, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) cho biết, ngày 22/4/2021, Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, địa chỉ tại 420 Victoria Rd Malaga, WA, 6090 Australia đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25. Trước đó, đã có đến 5 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại thị trường Mỹ.
Xung quanh câu chuyện này, Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia vừa cho biết, gạo ST24, ST25 bị đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tại Úc. Hồi cuối tháng 4/2021, gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua cũng bị 5 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tại nước này. Ông đánh giá như thế nào về câu chuyện này? Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc thương hiệu gạo ST24, ST25 của Việt Nam lại bị hớt tay trên như vậy?
Ông Vũ Bá Phú: Vụ việc nhãn hiệu gạo ST24, ST25 bị một số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Hoa Kỳ hay ở Australia không phải là mới. Trong quá khứ đã có rất nhiều sản phẩm có danh tiếng của Việt Nam bị chiếm đoạt bảo hộ nhãn hiệu ở thị trường xuất khẩu như Kẹo dừa Bến Tre, Cà phê Trung Nguyên, Vinataba, Petro Việt Nam… Về bản chất, đây là hiện tượng chiếm đoạt hay tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu thương mại sản phẩm giữa chủ sở hữu thực sự và các chủ sở hữu đã chiếm quyền đăng kí bảo hộ.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).
Nguyên nhân là do, bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã ý thức được việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu sản phẩm của mình trên các thị trường xuất khẩu thì vẫn còn các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức rõ vai trò của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) như là một công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Việc chậm trễ trong đăng ký bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm thế mạnh, có chất lượng của Việt Nam tại nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn bị mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều nguồn lực để giành lại.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến việc đăng kí bảo hộ sở hữu quyền SHTT cho sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài gặp khó khăn là do thủ tục phức tạp, chi phí đăng ký tương đối lớn từ việc thuê luật sư ở nước sở tại, cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định đơn đăng ký, và nhiều chi phí tìm hiểu và khảo sát thị trường.
Sự việc của gạo ST24, ST25 nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung cho thấy, vấn đề đăng ký bảo hộ SHTT cho nông sản tại các thị trường xuất khẩu đã trở thành vấn đề cấp bách, nhất là trong điều kiện Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao trên thế giới.
Ông từng chia sẻ với báo chí là Chương trình thương hiệu quốc gia, xúc tiến chỉ có thể hỗ trợ quảng bá ngành hàng nói chung, không thể hỗ trợ quảng bá riêng cho từng nhãn hiệu, doanh nghiệp nào, nên không thể có hỗ trợ trực tiếp. Vậy Cục XTTM - Bộ Công Thương hỗ trợ kỹ thuật như thế nào để doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu tại nước ngoài?
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết các hiệp định song phương và đa phương có mức độ tự do hóa thương mại đầu tư rất cao, với những cam kết chặt chẽ, cụ thể trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cam kết về quyền sở hữu trí tuệ tại hiệp định TRIPs của WTO và các cam kết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở các Hiệp định thương mại tự do.
Theo đó, ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ) có chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các lợi ích hợp pháp liên quan đến xác lập quyền SHTT ở trong nước và quốc tế. Liên quan đến vụ việc ST25 ở Hoa Kỳ, ngày 23/4/2021 Cục Sở hữu trí tuệ đã có thông tin chính thức về vụ việc, đồng thời có khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu và tiến hành các thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu sản phẩm của mình trên website của Cục.
Về phía Bộ Công Thương, Cục XTTM với vai trò là đầu mối triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030) sẽ tập trung vào các hoạt động nhằm giúp: Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; Hỗ trợ kĩ thuật nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình; Quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục XTTM cũng sẽ chủ động phối hợp với hệ thống tham tán Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ rà soát, kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra tranh chấp, chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu; cung cấp thông tin hướng dẫn các doanh nghiệp thủ tục cần thiết đăng kí bảo hộ SHTT với nhãn hiệu sản phẩm của mình. Trong các trường hợp cần thiết sẽ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công thương có ý kiến chính thức bằng văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ của thị trường xuất khẩu, cung cấp thông tin nằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Câu chuyện bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 có bị mất hay không vẫn cần hạ hồi phân giải. Thế nhưng, trên thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp bị mất quyền sở hữu nhãn hiệu ngay trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu. Ông có lời khuyên nào cho các DN bảo vệ thương hiệu của mình?
Như tôi vừa đề cập ở trên, câu chuyện gạo ST24, ST25 ở Hoa Kỳ và Úc không phải là mới trong thương mại quốc tế. Khi thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm trở nên nổi tiếng và có giá trị, có chất lượng thì sẽ luôn có nguy cơ bị xâm hại trên thị trường. Không chỉ ST24, ST25 mà nhiều sản phẩm khác của Việt Nam nếu không được doanh nghiệp quan tâm, đầu tư nguồn lực thích đáng cho việc đăng kí, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường cả trong nước và quốc tế thì nguy cơ bị “hớt tay trên” là điều không thể tránh khỏi.
Thông qua sự việc nhãn hiệu gạo ST24, ST25 của Việt Nam, tôi cho rằng, để tránh các trường hợp đáng tiếc tiếp theo xảy ra, trước hết, các doanh nghiệp cần có ý thức chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình ngay trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu. Việc chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu giúp sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp hạn chế nguy cơ bị xâm hại về nhãn hiệu trên thị trường, loại bỏ các chi phí cho việc theo đuổi tranh chấp liên quan đến việc xác định chủ sở hữu nhãn hiệu.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp cần tích cực hợp tác kịp thời với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu sản phẩm của mình để tránh việc các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
Về phía cơ quan chính phủ, cần sớm nghiên cứu và xây dựng 1 chương trình hỗ trợ kĩ thuật phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các doanh nhiệp có sản phẩm tốt, có kế hoạch xuất khẩu, đăng kí bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình trên các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Xin cảm ơn Ông!
Nguyệt Minh (thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo