Doanh nghiệp cần xốc dậy tinh thần để vượt qua khó khăn sau dịch Covid
Cơ hội xuất khẩu cực lớn khi thực thi Hiệp định EVFTA / Xuất khẩu dệt may ‘bay hơi’ hơn 2 tỷ USD vì dịch COVID-19
Đó là nội dung mà các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm “Cách thức để doanh nghiệp hưng thịnh trong trạng thái bình thường mới” do Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.
Theo Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, hội đã tập trung triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tiêu biểu như: triển khai chương trình mua ủng hộ bà con nông dân trên 3.000 tấn dưa hấu, thanh long, góp phần ổn định, đưa giá cả các mặt hàng này trở lại ổn định; ủng hộ 5 tỷ đồng sản xuất 10.000 kit phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2; ủng hộ 6.100 bình nước trị giá 256 triệu đồng cho bà con Bến Tre bị ảnh hưởng bởi hạn mặn...
Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội Doanh nhân Trẻ các địa phương, ngành cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Khảo sát, kiến nghị chính sách; hướng dẫn hội viên về thủ tục nhận ưu đãi về thuế, lãi suất; gặp mặt các Ngân hàng trên địa bàn bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hội viên; tư vấn quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp...
Theo nhận định của các chuyên gia, tác động từ đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Theo đó, mặc dù các doanh nghiệp đã dự trữ được nguồn nguyên liệu sản xuất cho những tháng đầu năm, nhưng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có đơn hàng, ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng.
Để hạn chế những ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại hội nghị các chuyên gia cho rằng cần đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung đẩy mạnh các ngành công nghiệp có ưu thế, cơ hội phát triển như sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang, hóa chất vệ sinh, khử trùng, thiết bị y tế); chế tạo máy móc thiết bị trong lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến… Và hơn ai hết, chính doanh nghiệp phải luôn quan tâm, chủ động nắm bắt nhu cầu của khách hàng để sản xuất ra những sản phẩm thích hợp.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần phải chủ động, quyết liệt trên từng mặt trận để "xốc" dậy tinh thần của toàn doanh nghiệp, quyết liệt tồn tại và vượt qua khó khăn.
Ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Cạnh tranh cho biết, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây là lúc các doanh nghiệp cần phải chủ động, linh hoạt và quyết liệt trên từng mặt trận để "xốc" dậy tinh thần của toàn doanh nghiệp, quyết liệt tồn tại và vượt qua khó khăn.
“Muốn như thế, các doanh nghiệp phải lưu ý đến việc quản lý rủi ro nhiều hơn nữa và điều chỉnh mọi kế hoạch, hoạt động của mình sát với nhu cầu của thị trường, khách hàng. Trong đó vai trò người lãnh đạo rất quan trọng trong lãnh nhận trách nhiệm, can đảm, kiên trì và quyết liệt”, ông Thành cho hay.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đến từ Indonesia, Malaysia cũng chia sẻ câu chuyện hỗ trợ lẫn nhau của các doanh nghiệp địa phương như tăng cường chuyển đổi số, tăng cường mua hàng hóa, dịch vụ lẫn nhau, tăng thương mại điện tử, phát triển các hình thức kinh doanh mới…
Dưới góc nhìn của một Công ty tài chính quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Khu vực Phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào - Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, nhận định: Việc tìm kiếm, tiếp cận và phát huy hiệu quả nguồn tài chính trong Doanh nghiệp SMEs sẽ được coi là những trụ cột then chốt trong chiến lược hoạt động để tồn tại và phát triển cho Doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp SME Việt Nam đang gặp phải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo