Doanh nghiệp chủ yếu muốn giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu
Ba năm có hiệu lực, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa "rất chậm" đi vào cuộc sống / Clip phỏng vấn "nóng": Các nước hỗ trợ doanh nghiệp liên kết và phát triển rất mạnh, Việt Nam thì sao?
Nhiều doanh nghiệp muốn được ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu hơn là vay mới. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế xuống 4,5%/năm.
Khó hậu thuẫn tăng trưởng tín dụng
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suấtcho vay đã giảm mạnh. Về lý thuyết, khi lãi suất giảm mạnh thì cầu tín dụng sẽ tăng, nhưng Covid-19 đã khiến quy luật này không diễn ra. Theo công bố của NHNN, đến hết tháng 9/2020, huy động vốn tăng 7,7%, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 6,09% (cùng kỳ năm 2019 là 8,51%).
Thực tế, dù trần lãi suất cho vay trước đó đã giảm trong tháng 5 và tháng 3 với tổng mức giảm 1%, nhưng chủ yếu áp dụng cho 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ hoặc công nghệ cao).
Dẫu vậy, theo thống kê của Chứng khoán SSI, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ dao động trong khoảng 3 - 4%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình toàn ngành là 5%.
Về tác động của việc giảm lãi suất điều hành từ ngày 1/10 vừa qua của NHNN, các chuyên gia cho rằng, lãi suất giảm chỉ áp dụng cho các khoản giải ngân mới hoặc khoản vay đến kỳ điều chỉnh lãi suất, nên số dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất trong quý IV/2020 dự kiến không lớn.
Trong một diễn đàn của ngành ngân hàng được tổ chức tuần qua, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB cho hay, trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, thấy chủ doanh nghiệp còn suy nghĩ thận trọng hơn cả ngân hàng. Doanh nghiệp luôn tính toán phải đầu tư vào đâu, khi nào đi vay, vay bao nhiêu tiền?
Lãnh đạo MB khẳng định, giải pháp giãn, hoãn nợ theo Thông 01/2020/TT-NHNN thời gian qua rất hiệu quả với doanh nghiệp. Tại MB, nhiều khách hàng được giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ đã bắt đầu trả được nợ từ quý II và quý III/2020, mà không cần chờ tới năm sau.
Kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hiện nay một phần cũng do thanh khoản đang dư thừa. Vốn nhàn rỗi nhiều khiến các TCTD tăng chi phí, phải lo bù đắp từ các nguồn thu khác. Tuy nhiên, điều này là rất khó, bởi thu nhập từ hoạt động phi tín dụng hiện vẫn khá thấp, chỉ khoảng 30%/tổng nguồn thu của ngân hàng.
Do đó, không chờ đến khi Thủ tướng "nhắc nhở", ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại lớn đều nhận thấy việc tăng trưởng tín dụng thấp thực sự là vấn đề lớn. Tuy nhiên, các TCTD đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" khi tín dụng tăng trưởng thấp nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng và có nguy cơ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Hoàng Hà cho biết, dịch bệnh hiện nay đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam, một số nước trên thế giới đã mở cửa giao thương. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa còn tồn đọng, nhằm thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng.
"Với mức lãi vay kỳ hạn dài từ 9 - 11%/năm là khá cao, nên công ty sẽ không vay mới, mà tập trung giải quyết hàng tồn kho. Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu", ông Biên nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM kiến nghị, ngân hàng cần kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp. Các dự báo cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài trong 6 - 12 tháng, sau đó doanh nghiệp mới có khả năng phục hồi, trong khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định chỉ giãn nợ trong 12 tháng.
“Về thanh toán nợ cần giãn thời hạn; điều chỉnh thời gian trả nợ không vượt quá 24 tháng, tạo điều kiện cơ cấu nợ”, ông Việt kiến nghị.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng nhận định, khó khăn do dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, có thể tới hết năm 2021. Chính vì vậy, việc kéo dài thời hạn giãn - hoãn nợ, miễn - giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ (sửa Thông 01/2020/TT-NHNN theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ) là rất cần thiết.
Về dài hạn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV lưu ý, bên cạnh hỗ trợ về lãi suất, nền kinh tế cần có sự đồng bộ từ nhiều yếu tố khác. Ví dụ như đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân và FDI, cũng như các gói hỗ trợ an sinh xã hội để kích cầu tiêu dùng từ người dân và tăng sức cầu vốn cho doanh nghiệp.
"Lãi suất không phải là tất cả, vì vấn đề lớn nhất hiện nay là sức cầu vốn của nền kinh tế đang yếu. Do đó, phải có sự kết hợp giữa nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ khác nhau trong dài hạn," ông Lực khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo