Doanh nghiệp khấp khởi vì sắp thoát khỏi "gánh nặng" kiểm tra chuyên ngành
Lâm Đồng: Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam / Mừng ngày Giải phóng Thủ đô, đặt vé 0 đồng bay cùng Vietjet
Hiện nay vẫn còn tới 70.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu, khiến doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn. Tháo gỡ khó khăn này, 1 đề án cải cách chuyên ngành vừa được Tổng cục Hải quan xây dựng và công bố, theo hướng chỉ còn 1 đầu mối duy nhất. Nhiều doanh nghiệp đang mừng thầm vì sắp thoát khỏi "gánh nặng" kiểm tra chuyên ngành bấy lâu này.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã từng làm cuộc khảo sát, và cho thấy mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28 triệu ngày công và trên 14.000 tỷ đồng chi phí cho việc kiểm tra chuyên ngành. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết năm 2019 các bộ, ngành phải cắt giảm được 50% danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra.
Tuy nhiên, đến nay đã quá thời gian gần 1 năm nhưng tỷ lệ cắt giảm vẫn chưa đạt. Do vậy,Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án "Cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện". Mới đây, Tổng cục Hải quan đã công bố đề án này.
Doanh nghiệp vẫn khổ sở vì kiểm tra chuyên ngành
Thay vì doanh nghiệp phải đi tới nhiều nơi, nhiều cơ quan chuyên ngành của các bộ khác nhau để đăng ký kiểm tra, nay doanh nghiệp chỉ cần đi tới duy nhất cơ quan hải quan, để thực hiện các thủ tục để thông quan. Bà Phạm Thị Thúy Hà, Giám đốc Công ty Dolphin Sea Air Services cho biết mỗi tháng doanh nghiệp của bà thường nhập khẩu vài chục lô hàng về thực phẩm, và lô hàng nào cũng bị kiểm tra, dù các lô hàng trước đó hầu như không có vi phạm.
7 bước thủ tục có thể mất đến cả 10 ngày khiến nhiều hàng hoá của DN bị lỡ hạn ra thị trường, khó tiêu tụ.
Khi hàng về cảng, doanh nghiệp thường phải thực hiện khoảng 7 bước như: đăng ký tờ khai với Hải quan, đăng ký thủ tục chất lượng, an toàn thực phẩm, sau khi có số đăng ký, doanh nghiệp quay về bổ sung vào tờ khai, sau đó cơ quan Hải quan kiểm tra hồ sơ, cho DN mang hàng về bảo quản, tiếp đến cơ quan kiểm tra chuyên ngành lấy mẫu để kiểm tra. Sau đó, DN phải chờ kết quả, để bổ sung vào tờ khai và mới được thông quan.
"Thực hiện đủ các bước ở trên thì nhanh cũng phải mất vài ngày, 1 tuần , lâu thì 10 ngày hoặc hơn. Vì thế ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Nhất là khi các mặt hàng có tính thời điểm như cho tết hay trung thu, thời gian thông qua mất thời gian quá lâu, khi đưa ra thị trường đã muộn, không tiêu thụ được", bà Hà chia sẻ.
Hiện nay việc kiểm tra chuyên ngành còn mang nặng tính hình thức. Nhiều mặt hàng chất lượng cao, được nhập khẩu từ các nước Châu Âu, Mỹ như ô tô, thang máy, cần cẩu vẫn bị kiểm tra từng lô hàng. Nhưng kiểm tra nhiều mà tỷ lệ phát hiện vi phạm lại rất thấp. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, các lô hàng không đáp ứng chất lượng chỉ chiếm 0.03% tổng số lô hàng được kiểm tra.
"Theo quy định trong vòng 10 ngày thì cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải có kết quả kiểm tra, nhưng không ít hàng hóa thì DN phải chờ mất cả tháng mới có. Trong thời gian ấy DN phải bảo quản hàng và không được bán, không được đưa ra thị trường. Nhiều DN đã bị mất cơ hội kinh doanh", ông Nguyễn Đình Cháng, Phó phòng giám sát quản lý, Cục Hải quan TP. Hải Phòng cho hay.
Một doanh nghiệp đã từng bị thiệt hại, do vướng vào tình cảnh chậm thông quan tới hơn nửa tháng. Lý do là vìcơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan hải quan không thống nhất về quan điểm kiểm tra.
Ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại An Tín.
"Giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và hải quan không có sự đồng nhất, chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần. Chúng tôi phải chờ trả lời bằng công văn nên rất bất cập. Đi lại 5 - 7 lần vừa cơ quan chuyên ngành và hải quan. 30 ngày ở trên cảng với chi phí lưu công lưu bãi, chúng tôi phải chịu. Chúng tôi hẹn ngày giao hàng nhưng không giao được, chúng tôi cũng phải chịu phạt hợp đồng", ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại An Tín tâm sự.
Thực hiện đề án DN chỉ cần gặp duy nhất cơ quan Hải quan
Kiểm tra chuyên ngành vẫn đang là gánh nặng của doanh nghiệp. Đề án "Cải cách kiểm tra chuyên ngành" theo hướng cơ quan Hải quan đầu mối duy nhất, đang được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp bớt được gánh nặng này.
Cụ thể, thay vì phải đi tới nhiều nơi, nhiều cơ quan chuyên ngành của các bộ khác nhau để đăng ký kiểm tra, nay doanh nghiệp chỉ cần đi tới duy nhất cơ quan hải quan, để thực hiện các thủ tục để thông quan. Và khi đó, thay vì phải thực hiện đủ 7 bước như ở trên, doanh nghiệp sẽ chỉ còn phải thực hiện 4 bước, và thậm chí nếu chấp hành tốt pháp luật thì lâu dài doanh nghiệp chỉ còn phải thực hiện duy nhất 1 bước đầu tiên.
"Nếu mà chỉ liên hệ với cơ quan hải quan thôi thì về mặt thủ tục đã giảm tải. Chúng tôi tiết kiệm chi phí về mặt thời gian, hiệu quả kinh doanh của chúng tôi sẽ tốt hơn", bà Phạm Thị Thúy Hà, Giám đốc Công ty Dolphin Sea Air Services chia sẻ.
Theo đề án, việc kiểm tra chuyên ngành sẽ theo phương pháp quản lý chặt với doanh nghiệp có tính rủi ro cao, quản lý lỏng với DN tuân thủ pháp luật tốt. Khi doanh nghiệp nhiều lần có lịch sử chấp hành tốt về pháp luật, sẽ không cần phải kiểm tra mà sẽ được thông quan luôn.
Bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Cục giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan
"Hàng hóa đã 3 lần kiểm tra chặt, sẽ được chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường, 3 lần sau sẽ chuyển sang kiểm tra giảm. Hàng hóa không phân biệt nhà nhập khẩu, chỉ cần cùng 1 mặt hàng, sẽ được đối xử như nhau. Điều này sẽ giảm tối đa các lô hàng sẽ phải kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm thời gian cho và chi phí cho DN", bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Cục giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan cho biết.
Đánh giá cao hiệu quả của đề án, đại diện phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu chỉ còn 1 đầu mối sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình thông quan, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được đề án, rất cần phải quy định rất rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, tránh chồng chéo.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI)
"Cần làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tránh việc chồng chéo giữa các cơ quan quản lý. Nguy cơ này cũng lớn, bởi cần tách biệt triệt để trên giấy tờ và thực tế. Có thể trao cho cơ quan mới quyền nhưng cơ quan cũ lại chưa giảm quyền, vẫn có sự chồng chéo trong quản lý, cuối cùng vẫn là DN chịu thiệt hại", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI) nhấn mạnh.
Dự kiến đề án sẽ có 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1 sẽ tiến hành thí điểm, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án đến làm thủ tục kiểm tra với cơ quan hải quan hoặc đến làm thủ tục tại các bộ, ngành.
+ Giai đoạn 2 sẽ là giai đoạn triển khai chính thức, duy nhất chỉ còn 1 đầu mối tại cơ quan hải quan.
Đánh giá của Dự án tạo thuận lợi Thương mại do cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ USAID, đã cho thấy nếu thực hiện đề án này thì sẽ giúp cắt giảm được trên 86.000 tờ khai, tiết kiệm được 2 triệu 484 nghìn ngày công, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hơn 881 tỷ đồng.
Còn đối với nền kinh tế, ước tính giá trị tiết kiệm khi áp dụng mô hình mới lên đến 9.285 tỷ đồng. Ngoài ra, việc thực hiện đề án sẽ giúp chính phủ cải thiện tốt chỉ số cải cách hành chính, góp phần cải thiện xếp hạng vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo