Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng: Cần có chính sách giữ chân và phục hồi doanh nghiệp

DNVN - Chi cục Thống kê Đà Nẵng khuyến nghị chính quyền TP mới cần có chính sách giữ chân và phục hồi doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.

Sau sáp nhập, tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng đứng thứ 8 cả nước / Hợp nhất hai Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2025, TP Đà Nẵng có hơn 2.700 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng 8,02% so cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký gần 11.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh có sự cải thiện và sức hấp dẫn của thị trường vẫn được duy trì.

Tình trạng doanh nghiệp ngừng kinh doanh, trả mặt bằng đang xảy ra khá phổ biến trên phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn, Đà Nẵng.

Tình trạng doanh nghiệp ngừng kinh doanh, trả mặt bằng đang xảy ra khá phổ biến trên phố thời trang Lê Duẩn, Đà Nẵng.

“DN thành lập mới duy trì đà tăng trong nửa đầu năm 2025 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư và cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh của TP Đà Nẵng (mới) tiếp tục được củng cố. Điều này phản ánh hiệu quả của các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính cũng như tiềm năng thị trường được mở rộng sau khi sáp nhập hai địa phương”, Chi cục Thống kê Đà Nẵng nhận định.

Bên cạnh đó, gần 1.300 DN quay trở lại hoạt động (Đà Nẵng hơn 1.000 DN), phản ánh nỗ lực phục hồi của khu vực DN. Tuy nhiên theo Chi cục Thống kê Đà Nẵng, bức tranh DN vẫn tồn tại nhiều dấu hiệu đáng lo ngại khi có gần 4.800 DN tạm ngừng hoạt động, cao gấp gần 1,8 lần số thành lập mới (Đà Nẵng 3.742 và Quảng Nam 1.029 DN). Ngoài ra, có 488 DN hoàn tất thủ tục giải thể, rút khỏi thị trường cho thấy một bộ phận DN đã không thể vượt qua khó khăn để tiếp tục tồn tại.

Theo đánh giá của Chi cục Thống kê Đà Nẵng, tình hình đăng ký DN tại TP Đà Nẵng (mới) vẫn sôi động, nhưng sức chống chịu và khả năng duy trì hoạt động còn yếu, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh cao, chi phí đầu vào tăng và tác động kéo dài từ các yếu tố kinh tế vĩ mô.

Để cải thiện tình hình, Chi cục Thống kê Đà Nẵng đề nghị chính quyền TP mới cần tiếp tục đồng hành cùng DN thông qua các giải pháp hỗ trợ tài chính, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời có chính sách giữ chân và phục hồi DN đang gặp khó khăn, từ đó bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực kinh tế tư nhân.

Cơ quan này cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, TP Đà Nẵng thu hút được 47 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới, tăng 14,6% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 221,2 triệu USD, tăng 9,6%. Qua đó cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư, triển vọng phát triển tiếp tục được duy trì khi Đà Nẵng và Quảng Nam sáp nhập.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là vốn FDI thực hiện trong nửa đầu năm 2025 chỉ đạt 126,1 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh tốc độ giải ngân và triển khai thực tế của các dự án vẫn còn chậm. Hạn chế này đến từ một số nguyên nhân như vướng mắc về mặt bằng, thủ tục pháp lý, hoặc khó khăn từ tình hình kinh tế toàn cầu.

“Vì vậy, bên cạnh việc thu hút dự án mới, chính quyền cần tập trung tháo gỡ rào cản trong khâu triển khai, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Qua đó chuyển hóa vốn đăng ký thành dòng vốn thực tế, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP sau hợp nhất”, Chi cục Thống kê Đà Nẵng khuyến nghị.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm