Doanh nghiệp lúng túng trước các quy định thị trường
Doanh nghiệp xây dựng đối diện nhiều yếu tố bất lợi / Hàm lượng công nghệ thấp cản trở doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh
Lúng túng trước các quy định
Tại toạ đàm "Cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước" ngày 6/8 tại Hà Nội, ông Lê Thanh Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc Việt Nam tham gia WTO trong 17 năm qua cùng với hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường, thực thi 17 FTA khác nhau đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho hàng hoá Việt Nam. Đặc biệt, các mặt hàng nông lâm thuỷ sản cũng được cắt giảm thuế, thậm chí nhiều mặt hàng còn được hưởng thuế suất 0%.
Tuy vậy, theo ông Hoà, sản phẩm Việt Nam phải phù hợp với các đối tượng thị trường khác nhau, đáp ứng nhiều quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực, động vật... Đặc biệt, vấn đề về kỹ thuật cũng là rào cản lớn đối với DN xuất khẩu. Nếu nắm bắt tốt các quy định thị trường cũng như thủ tục xuất nhập khẩu sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Bởi vì trên thực tế, năng lực sản xuất của Việt Nam tương đối tốt, đặc biệt là gạo hồ tiêu, cà phê, hạt điều, cao su...
Nhấn mạnh thách thức liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM), bà Trương Thuỳ Linh - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, gần đây, các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng, nhất là các khi hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ thông qua các FTA. Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế lớn và tham gia nhiều FTA nhất thế giới, các DN Việt đã tận dụng khá hiệu quả những lợi thế từ các FTA, qua đó góp phần tăng trưởng xuất khẩu và phục hồi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện phát triển xuất khẩu bền vững trên cơ sở thương mại xanh, thương mại công bằng và bảo vệ môi trường... Nhiều mặt hàng xuất khẩu, hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam được ưa chuộng trên thế giới. Điều này đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu bởi các nước đã áp dụng nhiều biện pháp PVTM để chống lại hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam.
Đến nay, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 253 vụ việc điều tra PVTM từ 24 thị trường. Ngoài các vụ việc khởi xướng mới, có rất nhiều có hiệu lực và tiếp tục rà soát. Theo đó, tạo ra áp lực thường xuyên không chỉ đối với cơ quan Chính phủ mà còn đối với cả DN.
Đề cập đến sản phẩm OCOP, đại diện Văn phòng Nông thôn mới Trung ương, thông tin, tính đến ngày 30/7/2024, Việt Nam có hơn 13.600 sản phẩm OCOP, trong đó 71% là sản phẩm 3 sao, 27% sản phẩm 4 sao và mới chỉ có 46 sản phẩm 5 sao - một số lượng khiêm tốn.
Ở Hà Nội, hiện có gần 3.000 sản phẩm 3 sao, nhưng cũng chỉ mới có 6 sản phẩm 5 sao, trong đó có 5 sản phẩm gốm sứ ở Bát Tràng.
“Thực tế có những DN sở hữu sản phẩm rất tốt nhưng chưa biết làm thế nào để xuất khẩu. Các DN, HTX còn lúng túng trước những quy định mới ở trong và ngoài nước.
Chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều DN, các chủ thể OCOP đến dự các buổi cập nhật thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường trong và ngoài nước.
Nếu như không nắm vững quy định thị trường thì rất khó hội nhập, khó có thể mang sản phẩm đi xuất khẩu. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của chủ thể OCOP, của địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, DN và hợp tác xã”, đại diện Văn phòng Nông thôn mới Trung ương nêu.
Nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại
Đối với người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bà Lê Lan Hương - đại diện Phòng An toàn thực phẩm (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường) khuyến nghị tuân thủ nghiêm các điều kiện về vệ sinh ATTP, bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm về ATTP do mình sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, cần thiết lập quy trình tự kiểm tra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuân thủ quy định, yêu cầu của Việt Nam và các thị trường nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hoà nhấn mạnh, trong rất nhiều vụ kiện, DN rơi vào tình thế bất lợi do thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ cũng như thống kê, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Do vậy, các DN cần lưu ý vấn đề giám sát nguyên liệu đầu vào, ghi vào sổ sách tất cả vùng nguyên liệu thu mua phục vụ chế biến để minh chứng trong trường hợp cần kiểm tra hay truy xuất lại lô hàng liên quan đến kiểm tra mất vệ sinh ATTP .
“Các DN dù nhỏ đến đâu cũng phải hết sức lưu ý đến điều này. Có thể DN không hoàn toàn áp dụng các quy định cao nhưng nên có hệ thống ghi chép đầy đủ thông tin về nguyên liệu đầu vào, hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm... để trong bất cứ trường hợp nào, khi có vấn đề về mất vệ sinh ATTP hay liên quan đến truy xuất sản phẩm DN có cái để chứng minh”, ông Hoà khuyến nghị.
Bà Trương Thuỳ Linh - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, DN cần phải nâng cao hiểu biết pháp luật về PVTM, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hoá xuất khẩu của DN. Ở chiều ngược lại, DN sản xuất, tiêu thụ trong nước có thể sử dụng các biện pháp PVTM là công cụ để bảo vệ trên chính thị trường nội địa, chống lại hàng hoá nhập khẩu có những hành vi thương mại không công bằng. Các DN cần chú ý hơn trong việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan điều tra để tránh bị coi là DN không hợp tác.
Bà Linh cũng bày tỏ mong muốn Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục là cầu nối giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương để tham mưu cho lãnh đạo 2 bộ hỗ trợ DN sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông lâm thuỷ sản khi phải đối diện các vụ kiện PVTM.
Cùng với đó, cần tăng cường đào tạo đồng bộ, có chiều sâu để nâng cao nhận thức, kỹ năng của DN xuất khẩu, giúp các DN đạt kết quả tích cực hơn nữa trong các vụ việc PVTM.
End of content
Không có tin nào tiếp theo