Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp mong muốn được nới lỏng phương án “3 tại chỗ” sau ngày 15/9

DNVN - Sau hơn 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội với nhiều biện pháp khác nhau từ đợt dịch lần thứ 4, các doanh nghiệp đang rất mong muốn sau ngày 15/9 sẽ được cơ quan chức năng nới lỏng các quy định “3 tại chỗ” để có thể tiếp tục chủ động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Chuyên gia Phạm Bình An: Cần trao quyền chủ động cho doanh nghiệp lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp trong đại dịch / Bình Định quy hoạch 2 khu đô thị hơn 70ha phía Tây Quốc lộ 19 mới

Nguy cơ mất đơn hàng cuối năm

Nếu như năm trước vào thời điểm này Công ty TNHH Ngàn Thông (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) đang tất bật chuẩn bị nguồn nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng trang trí Giáng sinh trong dịp gần cuối năm thì nay, công ty đang đối diện với nguy cơ vi phạm hợp đồng đã ký kết với khách hàng.

Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Công ty Ngàn Thông cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến việc giãn các xã hội kéo dài, công ty chưa khôi phục được sản xuất như dịp đầu năm nên ảnh hưởng rất nhiều đến đơn hàng giao cho đối tác trong thời gian sắp tới. Bởi thời điểm này là dịp để sản xuất các sản phẩm trang trí Giáng sinh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Tuy Công ty Ngàn Thông đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nhưng số lao động bố trí tại cơ sở còn 45 người, số này chỉ đáp ứng khoảng 20-30% công suất so với thời điểm trước dịch nên việc sản xuất và cung ứng đơn hàng cho đối tác thời gian sắp tới rất khó khăn. Chưa kể hiện nay một số đối tác tại Bình Dương, Đồng Nai chuyên cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chúng tôi đang tạm dừng hoạt động bởi dịch bệnh. Thiếu nhân lực và nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất do dịch bệnh đã khiến công ty rất lo lắng khi đối mặt với nguy cơ vi phạm hợp đồng trong thời gian tới”, bà Thanh Tuyền nói.

Theo bà Thanh Tuyền, hiện nay, các doanh nghiệp mong mỏi nhất là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương sẽ nhanh chóng dập được dịch COVID-19, ngừng giãn cách xã hội để phục hồi lại sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp. Bởi vì, 3 địa phương trên có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước trong sản xuất công nghiệp và luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong việc cung ứng sản phẩm đầu vào.

“Hiện nhiều nhà máy sản xuất của Đồng Nai, Bình Dương đang ngừng hoạt động do dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nguyên liệu đầu vào của nhiều doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Ngay lúc này, chúng tôi mong muốn, nhà nước cũng như các địa phương cần kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện tiêm chủng vaccine trên diện rộng. Cùng với đó, cần phải mở cửa để doanh nghiệp phát triển, nếu không doanh nghiệp sẽ bị đứt gãy chuỗi sản xuất, thiệt đơn, thiệt kép về dài hạn”, bà Thanh Tuyền nói và cho biết sau một thời gian sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", doanh nghiệp của bà nhận thấy công việc rất khó khăn và quá tốn kém, nhưng hiệu quả sản xuất trong 3 tháng qua lại chưa bằng 1 tháng doanh nghiệp làm trong điều kiện bình thường.

Duy trì sản xuất khi áp dụng phương án "3 tại chỗ" khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.

Duy trì sản xuất khi áp dụng phương án "3 tại chỗ" khiến doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tường, Giám đốc Công ty THNN Giày da Việt Thịnh (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, công ty có 2 nhà máy sản xuất các loại giày dép cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mãnh mẽ nhiều tại nhiều tỉnh thành ở phía Nam nên 1 nhà máy nằm trong vùng phong toả phải tạm dừng sản xuất, nhà máy duy nhất còn lại chỉ duy trì chưa tới 30% công xuất, do công nhân đồng loạt nghỉ về quê. Hiện doanh nghiệp rất lo lắng dịch kéo dài sẽ khó nhận được đơn hàng cuối năm.

“Doanh nghiệp chúng tôi đang lo lắng sẽ bị vuột mất nhiều đơn hàng cuối năm. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất ít công ty đối tác trong và ngoài nước giám ký kết các đơn hàng lớn với chúng tôi. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng thấy dịch bệnh tại khu vực phía Nam vẫn căng thẳng sẽ rút bớt đơn hàng sang những quốc gia đang ít chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho dịp mua sắm cuối năm”, ông Tường cho hay và mong muốn, sau ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh nên trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn, để các doanh nghiệp tự chủ động trong phương án phòng chống dịch thì sẽ đạt được kết quả cao hơn trong phát triển kinh doanh.

“Tôi mong muốn doanh nghiệp của mình được trao quyền tự chủ trong việc phòng, chống dịch sau ngày 15/9 mà không phải đợi đến khi chính quyền can thiệp rồi mới sửa đổi hoặc hoạt động một cách thụ động, như vậy doanh nghiệp mới có thể linh động trong sản xuất kinh doanh. Bởi hiện nay, doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” nhưng rất khó có thể lo cho công nhân ăn ngủ tại chỗ một cách đầy đủ và lâu dài”, ông Tường cho biết.

Mòn mỏi chờ vaccine mũi hai

Nhiều doanh nghiệp cho biết, để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như xác định sẽ sống chung với dịch COVID-19 trong thời gian tới thì giải pháp cần ngay lúc này là người lao động phải được tiêm vaccine. Tuy nhiên, thực tế hiện nay doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc đăng ký tiêm vaccine cho người lao động.

Theo bà Đào Xuân Ngọc, Giám đốc Công Ty TNHH may mặc Thảo Nguyên (quận Bình Tân) cho biết, đơn vị vẫn đang cố gắng duy trì việc thực hiện “3 tại chỗ” cho hơn 100 công nhân, nhằm duy trì đơn hàng xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa.

Theo bà Ngọc, không chỉ Thảo Nguyên và tất cả doanh nghiệp đều mong mỏi từ nay đến ngày 15/9 được tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động.

“Việc thực hiện “3 tại chỗ” trong thời gian qua không chỉ là vấn đề hy sinh về chi phí của doanh nghiệp, mà cả là sự chia sẻ của từng người lao động. Hiện chúng tôi đang lo lắng liệu có gồng nổi hay không nếu sau ngày 15/9 vẫn tiếp tục phương án “3 tại chỗ”. Ngay lúc này, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiêm đủ 2 liều vaccine cho người lao động. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp sống chung với dịch bệnh sau ngày 15/9”, bà Ngọc nói.

Vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay chính là tốc độ tiêm vaccine COVID-19 để kịp thời tái hoạt động, sản xuất.

Vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay chính là tốc độ tiêm vaccine COVID-19 để kịp thời tái hoạt động, sản xuất.

Bên cạnh đó, bà Ngọc cũng kiến nghị cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, như: giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; gia hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ...

“Nếu sau 15/9, phương án “3 tại chỗ” không được nới lỏng thì doanh nghiệp chúng tôi không biết có còn đủ sức để tiếp tục cầm cự hay đóng cửa. Nếu tình hình các điều kiện kinh doanh không được cải thiện, theo tôi dự đoán tỷ lệ doanh nghiệp đóng cửa sẽ tiếp tục tăng cao. Do đó một trong những biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đó là chính sách miễn giảm của cơ quan nhà nước ngay lúc này”, bà Ngọc cho hay.

Theo báo cáo của Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA), số lượng công nhân chưa tiêm vaccine COVID-19 mũi một chiếm khoảng 20% trong tổng số 320.000 lao động ở khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao.

Nhiều công nhân thực hiện "3 tại chỗ" chưa được tiêm mũi một và không có trong danh sách tiêm ngừa tại địa phương. Bên cạnh đó, hàng nghìn công nhân làm việc ở TP Hồ Chí Minh nhưng trọ ở tại các địa phương khác nên không thể đi lại giữa hai địa phương để tiêm vaccine.

Theo HBA, việc tiêm vaccine trong các doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho cá nhân người lao động lẫn doanh nghiệp và bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất trong hiện tại lẫn tương lai. Việc này đồng thời giúp công nhân trở lại làm việc được thuận lợi, an toàn.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm