Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp than khó vay vốn ưu đãi

Chưa kịp khắc phục hậu quả từ đợt dịch Covid-19 hồi quý I, nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục gặp khó khi dịch bệnh quay trở lại với diễn biến phức tạp hơn.

Chế độ với người lao động phải nghỉ việc để cách ly vì Covid-19 được giải quyết như thế nào? / Gợi ý quà tặng gốm Chu Đậu sang trọng đỉnh cao

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, sau khi hoạt động trở lại, chưa nhận được hỗ trợ từ các gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì dịch Covid-19 tái bùng phát lần 2 càng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trở nên khó khăn hơn trước.

Không chỉ riêng về khía cạnh sụt giảm doanh thu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn mà các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, vay vốn ngân hàng...

Doanh nghiệp than khó vay vốn ưu đãi

Theo báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính yếu tố giới” của UNDP, các chủ doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin về quy trình thủ tục đăng ký hỗ trợ, vì chưa có thông báo rõ ràng về các quy định hướng dẫn cụ thể trong việc xác định đối tượng thụ hưởng và các yêu cầu cụ thể.

Bên cạnh đó, việc kê khai hồ sơ đăng ký hỗ trợ hiện tại bị đánh giá là phức tạp, tốn kém thời gian cho doanh nghiệp thực hiện đăng ký. Doanh nghiệp tại một số địa phương cho hay, chỉ nhận được thông báo chờ đợi nhiều cấp xác minh, phê duyệt, không rõ lịch hẹn và không rõ khả năng được hỗ trợ như thế nào.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, các điều kiện vay vốn còn khắt khe, chặt chẽ; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng thì chưa rõ ràng.

Bà Caitlin Wiesen – Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp siêu nhỏ (DNSN) là các đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi các hậu quả mà đại dịch Covid-19 gây ra. Không chỉ riêng về khía cạnh sụt giảm doanh thu, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, mà DNSN còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Cùng với đó, việc kê khai hồ sơ đăng ký hỗ trợ hiện tại bị đánh giá là phức tạp, tốn kém thời gian cho doanh nghiệp thực hiện đăng ký.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp phải tự “cứu” mình

Theo TS. Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, những khó khăn mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt sẽ ngày càng nhiều hơn, không còn cách nào khác, doanh nghiệp hãy tự cứu mình thay vì chờ đợi…được cứu.

Để cầm cự và tồn tại, cần phải giải quyết được đầu ra cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thay vì than vãn, kêu ca, hãy kết nối lại với nhau, hãy kết nối cung cầu và tìm mọi phương án để tiêu thụ được sản phẩm. Hãy tìm kiếm các cơ sở các trung tâm xúc tiến thương mại, siêu thị hay thậm chí các hiệp hội để qua đó, các hiệp hỗ trợ trong việc kết nối cung cầu, từ đó tìm được đầu ra cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tìm mọi biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm lượng hàng tồn kho, tiếp tục kích thích, hỗ trợ cho việc sản xuất của các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Hòa, trong bối cảnh khủng hoảng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp hãy tự mình tìm con đường đi riêng, trong đó tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp ngồi lại, nhìn nhận lại mình, từ đó tìm ra giải pháp, lối đi cho riêng mình. Cùng với đó, tái cấu trúc, định hình lại sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp; chỉnh đốn lại công cụ kinh doanh của cả những doanh nghiệp mới cũng như những doanh nghiệp có lịch sử phát triển từ nhiều năm nay.

 

“Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần đưa ra 4 yếu tố: một là tái cấu trúc tư duy, hai là tái cấu trúc công cụ, ba là tái cấu trúc điều hành và bốn là tái cấu trúc phục vụ…4 yếu tố này rất quan trọng đối với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Doanh nghiệp hãy tự cứu mình trước khi được cứu trợ”, TS. Đinh Việt Hòa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kýHiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho hay, dịch bệnh sẽ còn kéo dài, cách tốt nhất hiện nay là doanh nghiệp phải tự tìm cách “cứu mình”; cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh phân phối, cả trực tiếp và gián tiếp.

Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8 vừa qua, doanh nghiệp cần cố gắng tìm hiểu thông tin, tận dụng tối đa các ưu đãi về mặt thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, đây là cơ hội rất tốt trong 7 - 10 năm tới, khi đó thị trường sẽ rộng mở để đón chào các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp cần hình thành chuỗi giá trị mới, các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV hãy liên kết hợp tác chặt chẽ hơn để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị mới của khu vực cũng như toàn cầu. Khi tham gia vào chuỗi giá trị mới thì doanh nghiệp Việt mới đủ năng lực, nâng cao được khả năng về quản trị, đổi mới mô hình kinh doanh. Trong thời đại công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần cố gắng chuyển đổi để làm sao trở thành những doanh nghiệp số tận dụng tốt những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm