Doanh nghiệp thủy sản đồng loạt báo lãi lớn năm 2018
Tân binh Techcombank 'đại náo' VN30 / Lời đáp trả của 'đàn anh' Grab khi CEO Go-Viet tuyên bố mảng Food đã 'vượt mặt'
Tại hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2018, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, sản lượng thủy sản năm 2018 đạt con số cao nhất từ trước đến nay với 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn, tăng 6,0%; sản lượng nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn, tăng 8,3%.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 cũng thiết lập mốc kỷ lục 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Riêng ngành cá tra đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc với kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2017. Các mặt hàng khác cũng tăng trưởng mạnh như cá ngừ đạt 675 triệu USD, tăng 13,9%; nhóm cá khác đạt 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%; nhóm nhuyễn thể đạt 785 triệu USD, tăng 9,1%; nhóm giáp xác đạt 145 triệu USD, tăng 23%. Tuy vậy, nhóm sản phẩm tôm lại có một bước lùi khi kim ngạch xuất khẩu chỉ được 3,58 tỷ USD, giảm 7,1%.
Như vậy, riêng quý IV, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Bởi thế, nhiều doanh nghiệp trong ngành tiếp tục báo lãi tăng mạnh so với cùng kỳ 2017.
Quý IV/2018, Công ty cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.383 tỷ đồng, tăng trưởng 63%. Biên lãi gộp cải thiện từ 16,5% lên 31,2% giúp lợi nhuận gộp đạt 432 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017. Lãi sau thuế gần 297 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước và đóng góp đến 50% lợi nhuận cả năm.
Cả năm 2018, ANV ghi nhận doanh thu thuần tăng 40% lên 4.118 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 600 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước và vượt 140% kế hoạch năm.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) báo lợi nhuận quý IV tăng đột biến gấp 70 lần cùng kỳ năm trước, đạt 88,7 tỷ đồng. Doanh thu tăng 65%, biên lãi gộp tăng từ 13% lên 28% là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ACL tăng cao.
Tính chung cả năm 2018, ACL ghi nhận doanh thu thuần tăng 42% lên mức 1.689 tỷ đồng; lãi sau thuế 236 tỷ đồng, gấp 11 lần năm 2017. EPS đạt 10.358 đồng.
Đặc biệt, nhóm sản phẩm tôm có một bước lùi trong năm 2018 nhưng CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), một công ty thành viên của The PAN Group vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh hết sức ấn tượng.
Cụ thể, trong quý IV/2018, doanh thu thuần FMC giảm 9% còn 978 tỷ đồng nhưng giá vốn giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp cao gấp đôi cùng kỳ đạt 134 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Cả năm 2018, doanh thu thuần FMC tăng 9% lên 3.807 tỷ đồng; lãi sau thuế 177 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2017. EPS đạt 3.989 đồng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của FMC, thành quả có được không phải ngẫu nhiên, là trái ngọt sau bao năm vun trồng chăm sóc. Một tỷ lệ không nhỏ sản phẩm FMC lên kệ các siêu thị cao cấp, giá khá ổn định và tốt là sản phẩm của nhiều năm nỗ lực phát triển trại nuôi tôm, thuyết phục được khách hàng về năng lực kiểm soát cũng như truy xuất nguồn gốc tôm nguyên liệu của FMC, song song với việc tổ chức chế biến chặt chẽ, bảo đảm chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Thành quả này ít nhiều cũng nói lên năng lực, tầm nhìn của đội ngũ điều hành vừa hoàn thiện.
Chưa công bố BCTC quý IV/2018 nhưng CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) cho biết tổng giá trị xuất khẩu trong năm 2018 đạt 378 triệu USD, tăng 26% so với năm trước. Trong khi sản lượng cả năm rơi nhẹ thì giá bán bình quân duy trì mức tăng 33% so với cùng kỳ năm trước do giá nguyên liệu thô tăng. Riêng quý IV, VHC đạt doanh số xuất khẩu 117,3 triệu USD, đóng góp 31% vào tổng doanh số xuất khẩu cả năm và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng 2019 vẫn rất sáng
Theo bản tin IR tháng 12 của VHC, nhiều chuyên gia tại Hội thảo thị trường xuất khẩu cá tra toàn cầu cho rằng sự phát triển của cá tra sẽ tiếp tục trong năm 2019 và kỳ vọng đạt 3 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm trước.
Còn theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2018 Mỹ trở lại là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của Việt Nam với 549 triệu USD, tăng 60%; nhu cầu tại đây được kỳ vọng duy trì mạnh trong năm 2019 với giá giữ ở mức cao. Trong khi đó, sau một thời gian dài suy yếu, thị trường châu Âu cũng có dấu hiệu bình phục với 244 triệu USD, tăng 20%. Trung Quốc – Hong Kong xếp hạng 2 trong tổng giá trị xuất khẩu năm 2018 với 529 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu cá tra 2018 của Việt Nam và tăng 29% so với năm trước; dư địa tăng trưởng còn rất tốt nhờ nhu cầu lớn, đa dạng về sản phẩm và mức giá. Với các thị trường trong thỏa thuận thương mại dự kiến có hiệu lực trong năm 2019 như EVFTA, CPTPP, thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam sẽ nhanh chóng giảm về 0%, tạo cơ hội tốt hơn cho xuất khẩu.
Báo cáo chiến lược của CTCK Rồng Việt cho rằng cơ hội đầu tư vào ngành thủy sản lớn khi nhu cầu ngày càng tăng. Cụ thể, dân số thế giới sẽ vượt 8,5 tỷ người vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành đánh bắt cá từ tự nhiên sẽ không tăng trưởng để đảm bảo đa dạng sinh học. Tỷ lệ cá nuôi trong tổng nguồn cung cấp cá sẽ tăng từ 47% trong năm 2016 lên 54% vào năm 2030. Theo đó, các công ty sản xuất cá tra như VHC sẽ có cơ hội rất lớn để mở rộng sản xuất.
Các rào cản ở Mỹ, thị trường lớn nhất, đã giảm bớt. Việt Nam đã vượt qua các cuộc kiểm tra thực địa của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bước quan trọng nhất trong quy trình đánh giá tương đương ban đầu được thiết lập bởi Cơ quan Kiểm định và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (trực thuộc USDA). Ngoài ra, thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với cá tra trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) thấp hơn đáng kể so với POR 13. Do đó, khối lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh trong năm 2019.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có thể sẽ được phê duyệt vào đầu năm 2019. Nếu EVFTA được phê duyệt, thuế nhập khẩu sẽ được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong ba năm đối với cá philê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong bảy năm đối với cá philê đã chế biến. Theo đó, nhu cầu về cá tra tại EU được kỳ vọng sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên, VDSC cũng nêu ra rủi ro về tình trạng dư cung cá tra ở Việt Nam. Thiếu hụt cá giống và cá tra đã gây ra sự tăng vọt đáng kể về giá kể từ đầu năm 2017. Nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu. Điều này có thể dẫn đến tình trạng cung cá nguyên liệu dư thừa khi nhiều trang trại cùng bước vào mùa thu hoạch. Giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy có thể lao dốc. Các trang trại có thể chịu thiệt hại lớn và ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong các vụ mùa tiếp theo. Bên cạnh đó, bất ổn chính trị ở châu Âu có thể khiến Hiệp định EVFTA bị trì hoãn.
CTCK BIDV (BSC) cũng cảnh báo các doanh nghiệp thủy sản đều đang tiến hành các kế hoạch mở rộng vùng nuôi, công suất xử lý trong 2018 – 2019. Việc mở rộng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, nhưng tạo áp lực giảm giá bán khi nguồn cung trở nên ồ ạt.
“Nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc vẫn sẽ giữ ở mức cao. Đồng thời, cuộc chiến tranh thương mại tiếp tục là cơ hội đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam, nhất là khi thủy sản Việt Nam đều được giảm thuế tại Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, năm 2019 đang hiện hữu nhiều rủi ro đối với ngành cá tra khi giá bán xuất khẩu đang ở mức đỉnh lịch sử và khó có thể chứng kiến mức tăng giá mạnh như năm 2018. Dự phóng giá bán cá tra sẽ giảm 7% trong năm 2019. Tăng trưởng của doanh nghiệp sẽ đến từ tăng trưởng của sản lượng nhờ các dự án mở rộng năng lực sản xuất, thay vì tăng trưởng từ giá bán.” Báo cáo của BSC cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo