Hiệp hội Dệt May kiến nghị bỏ thuế VAT, Bộ Tài chính nói gì?
DNVN - Theo Bộ Tài chính, việc bỏ quy định nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với vải trong nước sẽ làm giảm tính liên hoàn của thuế VAT do doanh nghiệp bán vải trong nước sẽ không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào và có thể làm tăng giá bán của mặt hàng vải.
Trà Vinh yêu cầu doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức trở lại hoạt đồng sản xuất theo hai giai đoạn / Doanh nghiệp mong muốn được nới lỏng phương án “3 tại chỗ” sau ngày 15/9
Bộ Tài chính cho biết, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành một loạt vấn đề gỡ khó cho ngành dệt may, trong đó có việc xem xét bỏ quy định nộp thuế VAT đối với vải trong nước sử dụng may xuất khẩu thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn sau như quy định.
Theo phân tích của VITAS, quy định này không tạo thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của sản phẩm may mặc xuất khẩu. Quy định này cũng không khuyến khích sử dụng vải sản xuất trong nước và không bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu.
Doanh nghiệp dệt may kiến nghị bỏ thuế VAT với vải.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Trong đó mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Theo quy định hiện hành, thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng vải là 10%. Doanh nghiệp trả thuế giá trị gia tăng 10% khi mua vải trong nước, khi xuất khẩu sản phẩm được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% và được khấu trừ, hoàn thuế VAT đầu vào.
Thuế VAT là thuế gián thu theo hàng hóa, dịch vụ và không có quy định ưu đãi riêng theo đối tượng doanh nghiệp. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo Bộ Tài chính, việc bỏ quy định nộp thuế VAT đối với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu hoặc quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng vải mua trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu sẽ làm giảm tính liên hoàn của thuế giá trị gia tăng, do doanh nghiệp bán vải trong nước sẽ không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và có thể làm tăng giá bán của mặt hàng vải, đồng thời chưa phù hợp với quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.
Do vậy, đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ làm thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của sản phẩm xuất khẩu.
Mới đây, chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho biết, đề xuất của các DN về việc giảm thuế VAT là rất xác đáng, phản ánh nhu cầu cấp thiết của DN. "Mặc dù, theo quan sát của tôi, có nhiều quan điểm khác nhau về thuế VAT. Có quan điểm cho rằng, thuế VAT là thuế gián thu. Vì thế, giảm thuế VAT chưa chắc đã làm lợi cho DN. Nhưng cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm này trong bối cảnh hiện nay", ông Nam nói. Theo lý giải của ông Nam, thuế VAT liên quan đến dòng tiền, trong khi DN hiện nay đang rất khó khăn về dòng tiền. Do đó, giảm thuế VAT thực chất sẽ giảm bớt gánh nặng về dòng tiền cho DN. DN có thêm dòng tiền để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, đề nghị giảm thuế VAT là hoàn toàn chính đáng. Tất nhiên, khi tình hình đã ổn định với việc Nhà nước kiểm soát được dịch bệnh thì việc DN đóng thuế VAT là đương nhiên. |
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo