Hỗ trợ doanh nghiệp

Hộ kinh doanh cần được bình đẳng tiếp cận chính sách tín dụng để vượt khó

DNVN - Nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy, vấn đề quan trọng hiện nay đối với các hộ kinh doanh (HKD) là tăng cường sự bình đẳng, công bằng cũng như khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Tạo thuận lợi tối đa gia hạn thuế để DN, hộ kinh doanh ‘hồi sức’ / TP Hồ Chí Minh: Hơn 123 tỷ đồng miễn, giảm thuế cho hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ tư

Nhiều bất lợi so với các loại hình doanh nghiệp

Theo “Báo cáo nghiên cứu giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất kinh doanh cho HKD Việt Nam của nhóm nghiên cứu thuộc Viện VEPR, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đại dịch COVID-19 hay các khủng hoảng kinh tế xảy ra không chỉ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn mà các HKD dễ tổn thương hơn vì họ hoạt động với quy mô nhỏ hơn, ít được quan tâm hơn.
Tuy có một số lợi thế về sự đơn giản trong quá trình thành lập và hoạt động nhưng HKD có nhiều bất lợi thế so với các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Về phạm vi hoạt động, HKD gặp hạn chế về ngành nghề kinh doanh so với doanh nghiệp (ví dụ, HKD không được phép kinh doanh bất động sản quy mô lớn, ngân hàng…).
Khả năng huy động vốn của HKD bị hạn chế hơn trong việc vay vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn của các hiệp hội ngành nghề. Ngoài ra, HKD cũng không được phát hành thêm chứng khoán để huy động vốn phục vụ kinh doanh.
HKD có nhiều bất lợi so với các loại hình doanh nghiệp
Do không có tư cách pháp nhân và quy mô hoạt động nhỏ nên khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận với công nghệ của HKD cũng còn hạn chế. Hiện nay, đa số các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ của Chính phủ đều dành cho khu vực doanh nghiệp.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp
Nhằm tháo gỡ khó khăn của HKD trong và sau dịch COVID-19, kết quả nghiên cứu cho rằng vấn đề thiết yếu hiện nay đối với các HKD không phải là các giải pháp hỗ trợ, mà chính là làm thế nào để tăng cường sự bình đẳng, công bằng cũng như khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng của nhà nước, ngân hàng, tổ chức tài chính cho các HKD, từ đó đẩy mạnh được hiệu quả trong hoạt động sản xuất- kinh doanh.
Theo đó, HKD khi chưa được coi là đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân, vị thế sẽ kém hơn các doanh nghiệp. Do vậy, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các đơn vị quản lý hành chính Nhà nước đề giải quyết các vấn đề trong quá trình kinh doanh. Vì thế, Chính phủ cũng cần điều chỉnh và đưa ra những chính sách tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cho các HKD tiếp cận dễ dàng với các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.
Các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước cần chủ động tiếp xúc với các HKD, thực hiện tuyên truyền để các HKD hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ trong hoạt động kinh doanh cũng như đối với Nhà nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước tạo mối quan hệ gần gũi, thu hẹp khoảng cách với các HKD với quan điểm HKD là những đơn vị kinh doanh chính thức, tránh có sự phân biệt đối xử, họ cần được hiểu đúng và đủ về những trách nhiệm thuế cũng như được nhận những quyền lợi tiếp cận đất đai, vay vốn…
Cần tăng cường và bảo đảm tính công khai, minh bạch, đặc biệt trong công tác quản lý thuế đối với HKD: xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán, mức khoán theo các tiêu chí ngành nghề, các điều kiện hoạt động để xây dựng bộ tiêu chí quản lý thuế đối với HKD nhằm nâng cao chất lượng thu thuế, đảm bảo tính công bằng. Đặc biệt, chính phủ có thể nghiên cứu lộ trình loại bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thu thuế theo thu nhập đối với HKD quy mô lớn.
HKD mong muốn được bình đẳng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ để vượt khó sau COVID-19

Một trong những vấn đề thiết yếu giúp HKD có thể bình đẳng để tiếp cận với các chính sách hỗ trợ nhằm vượt khó sau COVID-19 là cần thúc đẩy và cải tiến các điều kiện khuyến khích, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp kinh doanh.
Cụ thể, nghiên cứu của Viện VEPR và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 6 khuyến nghị:
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng và ban hành Chương trình hành động khuyến khích HKD đăng ký thành lập dưới các hình thức doanh nghiệp và bảo đảm cho các HKD sau chuyển đổi trở thành doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả.
Thứ hai, đơn giản hóa về quy trình chuyển đổi từ HKD sang doanh nghiệp.
Thứ ba, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho các HKD mong muốn chuyển đổi sang doanh nghiệp như cơ cấu lại hệ thống kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp; lập kế hoạch và phương án sản xuất kinh doanh khả thi….
Thứ tư, Nhà nước phối hợp cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng các chương trình đào tạo cho các HKD chuyển đổi sang doanh nghiệp về khởi sự kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động….
Thứ năm, tích cực phổ biến, tuyên truyền về những lợi thế, những cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh, những quyền lợi mà các doanh nghiệp được hưởng để khuyến khích HKD chuyển đổi sang doanh nghiệp.
Thứ sáu, thể chế hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích HKD chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc chưa chuyển đổi nhưng có hoạt động minh bạch hơn.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm