Hỗ trợ doanh nghiệp

Khơi thông điểm nghẽn để doanh nghiệp tự tin chinh phục thị trường mới

DNVN - Ngoài tiêu chuẩn về Halal, những rào cản về visa, rủi ro trong thanh toán khiến các doanh nghiệp xuất khẩu dừa của Việt Nam không dám đàm phán, ký kết hợp đồng với thị trường tiềm năng Trung Đông - Bắc Phi.

Vì sao Lâm Đồng muốn mở đường bay thẳng đến Singapore? / Doanh nghiệp muốn sản phẩm 'xanh' nhưng thiếu hiểu biết tiêu chí 'xanh'

Tiềm năng nhưng nhiều thách thức

Tại toạ đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi” chiều ngày 6/12 tại Hà Nội, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, với 25 quốc gia và dân số gần 500 triệu người, Trung Đông - Bắc Phi có nhu cầu và mức chi tiêu cao đối với mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản mà Việt Nam có thế mạnh như thuỷ sản, cà phê, chè, tiêu, điều, rau của quả, hoa quả và thực phẩm chế biến.

Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không phù hợp để phát triển nông nghiệp, đây là thị trường còn nhiều dư địa để các DN xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh khai thác tiềm năng trong thời gian tới.


Nhiều doanh nghiệp Việt mong muốn đưa nông sản sang thị trường Trung Đông - Bắc Phi.

Tuy nhiên, tại toạ đàm, đại diện cơ quan quản lý, giới chuyên gia cũng như DN cho rằng, có nhiều thách thức, rào cản trong việc tiếp cận thị trường. Công tác quảng bá nông sản hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên - Phó chủ tịch chuyên trách Hiệp hội Dừa Việt Nam chia sẻ, hiện các DN dừa thành viên của hiệp hội đã xuất khẩu dừa sang 80 nước. Nhưng trong số đó có rất ít các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi.

Trong khi đó, quả dừa, đặc biệt là nước dừa đóng hộp, rất thích hợp với vùng sa mạc, khô hạn.

“Khó khăn lớn nhất của DN Việt Nam, đặc biệt là DN nhỏ và vừa là cảm thấy không an toàn vì nhiều rào cản. Còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để có thể khơi thông cho thị trường tiềm năng này”, bà Liên nói.

Theo bà Liên, ngoài tiêu chuẩn về Halal, DN đối diện những rào cản về visa khi giá visa rất cao, xin visa lại khó. Rủi ro trong thanh toán khiến DN rất sợ. Nếu không giải quyết được những điểm nghẽn này thì DN không dám đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác Trung Đông - Bắc Phi.

Cần giải pháp đồng bộ

Xâu chuỗi tất cả những khó khăn này, bà Liên cho rằng, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sang các thị trường mới.

Định hướng của cơ quan quản lý Nhà nước là phải mở rộng các thị trường mới và để hiện thực hoá định hướng này cần có giải pháp tiên phong.

“Các DN dừa rất mong đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các ngày Việt Nam hoặc tuần Việt Nam ở nước sở tại, thông báo sớm cho các hiệp hội để các DN Việt Nam có thể tham gia quảng bá sản phẩm”, Phó chủ tịch chuyên trách Hiệp hội Dừa Việt Nam bày tỏ.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực và tỉnh Bình Phước trong việc xúc tiến thương mại, gửi các sản phẩm mẫu sang các cơ quan đại diện nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của tỉnh với các đối tác tại địa bàn.

Các Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, Algeria và Iran khuyến nghị các DN cần tìm hiểu kỹ đối tác, các quy định của sở tại và thị hiếu của thị trường trước khi ký hợp đồng. Đồng thời nêu cao vai trò của việc tổ chức phòng, khu vực trưng bày hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản tại các cơ quan đại diện.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm