Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị cho doanh nghiệp xây phòng trọ cho thuê dưới 25m2

DNVN - Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thí điểm cho doanh nghiệp được đầu tư phát triển phòng ở cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng.

HoREA cho biết, hiện nay tại TP.HCM chính các hộ gia đình và cá nhân đã cung cấp cho thị trường các khu nhà trọ, phòng trọ, đã giải quyết đến khoảng 80% nhu cầu thuê phòng trọ của sinh viên, công nhân lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư. Nhưng các phòng trọ này thường không đảm bảo chất lượng, an toàn và an ninh.

Do đó, theo HoREA nếu các doanh nghiệp được tham gia đầu tư các khu nhà trọ thì đảm bảo chất lượng xây dựng, đủ tiện ích và đảm bảo an toàn, an ninh hơn.

Về vấn đề này, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản đã có văn bản trả lời, không đồng ý cho phép doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2.

HoREA đề xuất thí điểm cho doanh nghiệp được đầu tư phát triển phòng ở cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng. (Ảnh: TL)

HoREA đề xuất thí điểm cho doanh nghiệp được đầu tư phát triển phòng ở cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng. (Ảnh: TL)

Tuy nhiên, HoREA kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm cho doanh nghiệp cũng được đầu tư phát triển phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng.

Điều này để đáp ứng nhu cầu và tạo ra sự cạnh tranh để các cá nhân, hộ gia đình nâng cấp chất lượng và dịch vụ phòng trọ, nhà trọ hiện nay. "Nhất là trước bối cảnh, Nhà nước đang có chủ trương chuyển đổi kinh doanh của các cá nhân, hộ gia đình thành doanh nghiệp, dẫn đến sẽ có nhiều chủ nhà trọ, phòng trọ sẽ đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp, thì không có lý do gì mà không cho doanh nghiệp bất động sản được đầu tư loại phòng trọ, nhà trọ này", văn bản HoREA nêu.

Hiệp hội còn kiến nghị Nhà nước có một số chính sách thí điểm để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các dự án NOXH. Đối với các dự án nhà ở thương mại cho thuê giá thấp (khoảng 1,5 - 3 triệu đồng/tháng) được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án; được giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, có chính sách tín dụng ưu đãi...

Ngoài ra, HoREA còn kiến nghị cho phép hạch toán chi phí thực tế để giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở xã hội. Chi phí này hiện đang chiếm khoảng 50% giá thành nhưng doanh nghiệp chỉ được tính khoảng 20 - 30% chi phí thực tế.

 

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM chiếm khoảng 30%, Hà Nội khoảng 25%, còn lại ở Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng... Các địa phương cho biết đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra.

Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng đã thực hiện khảo sát mẫu (với đối tượng và địa bàn điều tra chưa phủ đầy đủ) thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 -2020. Đa số các đối tượng được hỏi đều chọn phương thức thuê, mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo