Ngành tái chế nhựa 40 năm vẫn "chưa kịp lớn"
DNVN - Hoạt động tái chế, thu gom nhựa diễn ra khắp cả nước nhưng chỉ tập trung ở lực lượng "ve chai". Hiện cả nước có khoảng 500 cơ sở nhỏ và vừa có tổ chức sản xuất tái chế nhựa. Do đó, hoạt động tái chế nhựa ở Việt Nam trong 40 năm qua vẫn không thể phát triển được.
Giải pháp bao bì bền vững tạo mắt xích quan trọng trong kinh tế tuần hoàn / Sóc Trăng: Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp không thể làm nổi
Tại hội thảo "Tái chế nhựa - Hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn" do Hiệp hội Nhựa Việt Nam phối hợp cùng Công ty Informa Markets Vietnam, tổ chức ngày 11/4 tại Hà Nội, ông BT Tee - Tổng giám đốc Informa Markets Việt Nam cho biết, thống kê có khoảng 1 triệu tấn chất thải nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới mỗi năm, trong tổng số 67,5 triệu tấn chất thải. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có lượng chất thải nhựa đại dương nhiều thứ 8 với 28.221 tấn.
Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, cả nước có khoảng 500 cơ sở nhỏ và vừa có tổ chức sản xuất tái chế nhựa. Tuy nhiên, với thực trạng là tỷ lệ thu gom ở mức thấp chỉ khoảng 30% so với lượng tiêu thụ hàng năm. Qui mô máy móc công nghệ tái chế còn lạc hậu, thô sơ, nguồn phế liệu đầu vào còn nhiều hạn chế như không được đồng nhất và khó phân loại triệt để nên chất lượng hạt tái sinh không đạt chất lượng cao.
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi Hội Nhựa tái sinh, trực thuộc Hiệp Hội Nhựa Việt Nam cho biết, hoạt động thu gom và tái chế nhựa chưa bài bản. Trên thực tế, mới chỉ có lực lượng "ve chai", những người dân nghèo tiến hành thu gom và tái chế nhựa. Khi giá nhựa tái chế rẻ, lực lượng này không thu gom thì nhựa sẽ được đẩy ra bãi rác.
Theo Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, hoạt động tái chế, thu gom diễn ra trên khắp cả nước và không có sự hỗ trợ nào. Do đó, hoạt động tái chế không bảo đảm môi trường. Trong khi đó, chưa có doanh nghiệp (DN) tái chế bài bản do chưa triển khai phân loại rác tại nguồn. Châu Âu tiến hành phân loại rác tại nguồn bài bản ngay từ các hộ gia đình, nhưng vẫn cần một dây chuyền rất hiện đại để phân loại tại nhà máy.
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi Hội Nhựa tái sinh, trực thuộc Hiệp Hội Nhựa Việt Nam.
Việt Nam chưa có phân loại từ phía các hộ gia đình. Do đó, không thể đưa vào dây chuyền hiện đại để phân loại. Không phân loại rác tại nguồn thì không có tích tụ được nguồn rác thải nhựa lớn để có thể sản xuất lớn.
"Nếu DN bắt tay vào làm thì phải đầu tư bài bản về môi trường, khí thải, nước thải, đầu tư bài bản về dây chuyền thiết bị, và phải nộp thuế, đóng bảo hiểm đầy đủ cho Nhà nước. Không có DN nào làm nổi nếu không có sự ủng hộ từ phía Nhà nước, xã hội cũng như các tổ chức quốc tế. Vì vậy, hoạt động tái chế nhựa ở Việt Nam 40 năm qua vẫn là "trẻ con", không thể lớn lên được. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người, chứ không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ", ông Hoàng Đức Vượng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng Đức Vượng, hiện Việt Nam chủ yếu gia công, phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Do đó, ngành nhựa không thể thay đổi nhanh chóng khi không có nghiên cứu đổi mới, không có hàm lượng trí tuệ. DN nếu không theo được chắc chắn sẽ bị đào thải. Thế giới ngày càng quyết liệt với chống phát thải carbon trên toàn cầu và việc thu gom, tái chế nhựa để tạo ra vòng tuần hoàn, bảo vệ tài nguyên, giảm phát thải carbon là điều cần thiết.
Cần có Luật Kinh tế tuần hoàn
Với việc Chính phủ đưa ra định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa qua, Chi hội Nhựa tái sinh kiến nghị Chính phủ xây dựng Luật Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đối với rác thải nhựa.
Cụ thể, Chi hội Nhựa tái sinh kiến nghị tổng hợp 6 chính sách để xây dựng nền KTTH: động cơ đẩy EPR, thiết kế sinh thái, phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng bền vững, động cơ kéo thị trường tái chế, tiêu chuẩn - chất lượng sản phẩm.
Theo đánh giá của Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, với việc đổi mới tư duy quyết liệt của Chính phủ, chính sách thứ nhất đã được đưa vào Luật Bảo vệ Tài nguyên môi trường. Đó là phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) đối với ngành nhựa.
Từ ngày 1/1/2024 chính sách về EPR sẽ chính thức được triển khai. Theo đó, các nhà sản xuất phải thu gom để tái chế hoặc thuê DN khác tái chế. Hoặc phải đóng phí tái chế cho Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ hỗ trợ lại các DN thu gom tái chế. Đây là chính sách văn minh mà các nước tiên tiến đã áp dụng trên 30 năm nay.
Ngoài ra, từ năm 2025 lần đầu tiên Luật Bảo vệ Tài nguyên môi trường quy định hộ gia đình phải phân loại rác tại nguồn thành 3 thùng rác: thùng tái chế, thùng hữu cơ và thùng rác khác.
"Nếu không phân loại rác tại nguồn thì không bao giờ quản lý được rác thải, từ đó không thể thu gom và tái chế rác thải được. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị của Việt Nam trong những năm tới. Và chúng tôi đang mơ ước sẽ thực hiện được điều này. Những người làm tái chế thừa hiểu việc phân loại rác sẽ trút bỏ được gánh nặng như thế nào", ông Vượng chia sẻ.
Ông BT Tee - Tổng giám đốc Informa Markets Việt Nam khuyến nghị, để có nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa thành công cần có thiết kế hoặc tái thiết kế các sản phẩm nhựa để chúng có thể tái chế. Tiếp theo là đưa ra các hệ thống hiệu quả để thu hồi nhựa đã hết hạn sử dụng. Quy trình thứ ba là tái sử dụng nhựa bằng cách tái chế chúng, biến chúng thành các sản phẩm mới có giá trị.
"Các nghiên cứu đã chứng minh, việc thu gom và sử dụng những công nghệ hiện có để tái chế, sản xuất ra các sản phẩm nhựa và hóa chất mới thật sự có tiềm năng kinh tế lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, các khoản đầu tư để biến tiềm năng này thành hiện thực vẫn còn tương đối nhỏ. Trên toàn cầu, chỉ có khoảng 15% nhựa sản xuất mỗi năm được tái chế", ông BT Tee nói.
Với việc đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị trong suốt 5 năm qua, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh mong mỏi người Việt Nam sẽ quản lý và văn minh với rác thải để 10 - 15 năm nữa dân tộc Việt Nam sẽ được thế giới thừa nhận là dân tộc văn minh với rác thải. Tương lai Việt Nam có quản lý, xử lý rác thải nhựa tốt hay không, người Việt có văn minh với rác thải hay không nằm trong tay các bạn trẻ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo