Hỗ trợ doanh nghiệp

Phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản trong khởi nghiệp, kinh doanh

DNVN - Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp cho rằng, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp và kinh doanh phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản về tiếp cận thông tin, dịch vụ tài chính cùng những định kiến giới, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao…

Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được ưu tiên hàng đầu / Nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới” (CWE) được thực hiện bởi Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN-ESCAP), đầu mối tại Việt Nam là Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Dự án hướng tới việc tăng cường hệ sinh thái khởi nghiệp và kinh doanh; thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh và tăng cường khả năng tiếp cận vốn thông qua các cơ chế tài chính sáng tạo.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kinh doanh là một trong những con đường chính giúp cho chị em phụ nữ đạt được năng lực kinh tế và giúp tiến tới bình đẳng giới. Việc này có thể tạo ra "hiệu ứng nhân đôi" cả về thu nhập, phúc lợi cho gia đình, giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.

Do đó, tạo một hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ đặc biệt là các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có thể đem lại những lợi ích to lớn cho gia đình, cộng đồng, khu vực và nền kinh tế.

Các đại biểu tham dự “Hội thảo tham vấn Nghiên cứu và phân tích các cơ hội phát triển kinh doanh cho doanh nhân nữ dân tộc thiểu số”. Ảnh: Hà Anh.

Phát biểu tại “Hội thảo tham vấn Nghiên cứu và phân tích các cơ hội phát triển kinh doanh cho doanh nhân nữ dân tộc thiểu số”, sáng 26/7, bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, đồng thời là Giám đốc dự án CWE cho biết, tại Việt Nam, dự án CWE đã xây dựng hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới mạng lưới các bên liên quan.

Đồng thời, thu hút sự tham gia của các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng và các hiệp hội doanh nhân.

Các hội, hiệp hội nữ doanh nhân, các đối tác trong hệ sinh thái không chỉ hỗ trợ việc tư vấn hay tham gia trực tiếp vào các sự kiện của chương trình CWE mà còn giúp tạo ra một cơ chế để xác định và giải quyết nhiều thách thức chính sách liên quan đến doanh nhân nữ tại Việt Nam.

Nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp và kinh doanh là một phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ Việt Nam nói chung.

Các chị em dân tộc thiểu số đã có những đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương miền núi cũng như khắp các vùng miền trên cả nước.

Không ít chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã tận dụng tối đa lợi thế vùng miền, đặc trưng văn hoá, tri thức bản địa độc đáo trong phát triển khởi nghiệp, kinh doanh.

Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp cho rằng, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp và kinh doanh phải đối mặt với nhiều rào cản. Ảnh: Hà Anh.

“Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức và rào cản luôn tồn tại ở các vùng miền núi của Việt Nam như sự hạn chế trong khả năng tiếp cận thông tin; tiếp cận dịch vụ tài chính, những định kiến giới; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao… “, bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hương, nhóm chuyên gia của dự án CWE đã thực hiện nghiên cứu, phân tích cơ hội phát triển kinh doanh của doanh nhân nữ dân tộc thiểu số và xác định các thiếu hụt về năng lực, kỹ năng, nguồn lực của doanh nhân nữ dân tộc thiểu số.

Doanh nhân nữ dân tộc thiểu số đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn chung khi khởi nghiệp, thêm vào đó là những thách thức, khó khăn đặc trưng của vùng dân tộc thiểu số.

“Nhưng trên hết, họ đã quyết tâm và vươn lên khẳng định mình cũng như giúp phát triển kinh tế của chính gia đình mình và tạo công ăn việc làm cho nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số khác”, bà Hương nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm