Sau 5 tháng nhậm chức, Chủ tịch FTM bất ngờ xin từ nhiệm khi giá cổ phiếu sàn 22 phiên liên tiếp
DNVN - Chỉ sau 5 tháng nhậm chức Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Hoàng Giang đã gửi đơn xin từ nhiệm trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, cổ phiếu sàn 22 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu HQC về đáy 10 năm, Chủ tịch lại gom thêm 10 triệu cổ phiếu / Hàng loạt cá nhân và tổ chức bị xử phạt vì mua, bán "chui" cổ phiếu
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex – Mã: FTM) vừa bất ngờ công bố thông tin ngày 14/9 Công ty đã nhận được đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Nguyễn Hoàng Giang kể từ ngày 16/9.
Nguồn: FTM
Tuy nhiên, lý do từ nhiệm và thông tin người được bổ nhiệm thay thế chưa được doanh nghiệp công bố. Ông Giang được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của FTM từ ngày 16/4 thay thế cho ông Lê Mạnh Thường. Tuy vậy, chỉ sau 5 tháng ông Giang đã từ nhiệm.
Ông Giang sinh năm 1980, trước khi làm Chủ tịch FTM, ông Giang là thành viên HĐQT Công ty từ tháng 10/2015 đến nay.
Quá trình công tác của ông Nguyễn Hoàng Giang:
Từ tháng 2/2013 – 6/2013: Trưởng phòng Tư vấn CTCP Chứng khoán Quốc Gia
Tháng 3/2012 – 4/2013: Thành viên Ban kiểm soát CTCP Bảo hiểm AAA
Tháng 3/2012 – 1/2013: Giám đốc Tư vấn CTCP Bamboo Capital
Tháng 4/2010 – 6/2012: Thành viên HĐQT CTCP Thép Đình Vũ
Tháng 3/2010 – 2/2012: Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư, Giám đốc Khối Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín
Tháng 2/2008 – 4/2010: Thành viên Ban Kiểm soát CTCP Khoáng sản Bắc Kạn
Tháng 7/2007 - 2/2010: Phó Phòng Tư vấn CTCP Chứng khoán Bảo Việt
Tháng 10/2002 – 6/2007: Trưởng Bộ phận Chế độ Tài chính & Kế toán tổng hợp – Phòng Tài chính Kế toán, Bưu điện Hà Nội
Đáng chú ý, ông Giang từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT trong bối cảnh doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn khi thua lỗ hai quý liền cùng với giá cổ phiếu sàn 22 phiên liên tiếp.
FTM ghi nhận mức lỗ 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2019. Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 459 tỷ đồng, giảm gần 24% cùng kỳ năm 2018.
Kết quả kinh doanh của công ty sụt giảm đáng kể và có mức lợi nhuận âm là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng trong thời gian qua. Cụ thể trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị áp thuế có tới 25% mặt hàng vải. Do đó, thị trường Trung Quốc trở nên thận trọng, kìm hãm sản xuất vải.
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam. Trên thực tế, 70% lượng sợi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Vì thế, không chỉ riêng FTM, các đơn hàng xuất khẩu sợi của Việt Nam rất khó khăn; nhiều doanh nghiệp ngành sợi có lượng hàng tồn kho ở mức cao.
Trong khi đó, giá xuất khẩu bị ép giảm mạnh do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Trước tình hình thị trường khó khăn, FTM cũng như các doanh nghiệp ngành sợi đang đối diện với tình trạng “thắt lưng buộc bụng” với tình hình kinh doanh trong thời gian qua không mấy khả quan.
Trước thông tin cổ phiếu sàn liên tục, ông Nguyễn Hoàng Giang – Chủ tịch FTM còn phải lên tiếng trấn an cổ đông do lợi nhuận 6 tháng âm nên cổ phiếu FTM không được giao dịch ký quỹ từ ngày 16/8.
Trong khi đó doanh nghiệp cho biết trên thị trường xuất hiện một số bài viết trên các trang mạng mang tính chất định hướng dư luận không đúng sự thật về những thông tin liên quan đến Fortex và cổ phiếu FTM. Những thông tin không xác thực này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Công ty và tâm lý nhà đầu tư.
“Hiện tại, Fortex cũng đã và đang phối hợp với các cơ quan điều tra để làm rõ các thông tin. Đồng thời, chúng tôi cũng đã và đang gặp gỡ đại diện một số các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư để làm rõ các tin đồn thất thiệt và những thông tin quy chụp gây ảnh hưởng đến uy tín công ty” ông Nguyễn Hoàng Giang – Chủ Tịch HĐQT cho biết.
Đồng thời, ông Giang cho biết thêm: “ Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những động thái để dập tắt tin đồn và những hành vi tiêu cực trên thị trường chứng khoán gây ảnh hưởng đến uy tín Fortex và làm ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông”.
Kết phiên 16/9 cổ phiếu FTM tiếp tục sàn phiên thứ 22 liên tiếp về 4.930 đồng/cp, mất khoảng 80% giá trị chỉ trong vòng một tháng qua.
Diễn biến giá cổ phiếu FTM ba tháng nay (Nguồn: VNDirect)
Tuy nhiên khối lượng giao dịch trong đợt giảm sàn rất thấp, chỉ khớp lệnh vài trăm cổ phiếu/phiên nhưng khối lượng đặt bán có phiên lên tới hơn 32,8 triệu đơn vị, chiếm tới hơn 65% tổng số cổ phiếu. Trước đó thanh khoản mỗi phiên của FTM trung bình tới hàng triệu đơn vị.
Trước màn lao dốc của FTM, cổ phiếu này đã có đợt tăng giá "khủng" hơn 65% từ mức 15.000 đồng/cp lên 25.000 đồng/cp trong nửa năm.
Thống kê khối lượng đặt bán các phiên của cổ phiếu FTM (Nguồn: FTM)
Đáng chú ý, vào giai đoạn trước khi cổ phiếu tăng giá loạt cổ đông lớn thi nhau mua vào cổ phiếu trong tháng 1/2019 và rồi trước khi cổ phiếu “đổ đèo” loạt cổ đông lớn này lại liên tục bán ra. Các cổ đông lớn này đều không phải là lãnh đạo hay nhân sự ở FTM.
Điểm cần lưu ý là cơ cấu cổ đông của FTM rất "cô đặc". Bà Lê Thùy Anh cùng bố là ông Lê Mạnh Thường – cựu Chủ tịch HĐQT sở hữu 31,73% vốn tại đây. Chưa kể tới một loạt cổ đông lớn khác không phải là lãnh đạo hay nhân sự ở FTM như: Ông Phạm Đình Giá, ông Lâm Văn Đỉnh, ông Nguyễn Chí Cường, bà Nguyễn Thanh Hà, ông Lê Quốc Quân nắm tới tổng cộng 47,29% vốn tại đây.
Trong khi đó, có phiên cổ phiếu FTM bị chất bán tới hơn 65% tổng lượng cổ phiếu. Theo đó nhiều khả năng các cổ đông lớn trên đã dùng tiền margin để mua cổ phiếu FTM và ngay khi có thông tin cổ phiếu không còn được giao dịch ký quỹ thì bị các công ty chứng khoán bán ra ồ ạt mà không hề có thông tin đăng ký bán nào của các cổ đông lớn theo quy định.
Hoàng Kiều
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo