Hỗ trợ doanh nghiệp

Tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp đối với 'cú sốc' kinh tế

Để ứng phó kịp thời với sự biến động của nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp (DN) Việt cần có sự chuẩn bị tốt nhất thông qua việc tăng cường đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực hội nhập và đặc biệt là năng lực quản trị về tài chính, cấu trúc vốn.

Top 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2019: Apple dẫn đầu / Facebook chuẩn bị ra mắt ví tiền điện tử

Đồng thời, DN chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính và xây dựng phương án ứng phó với các cú sốc kinh tế.

“Sức khỏe” của DN chưa tốt

Ông Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển DN nhận định, thời gian qua, nền kinh tế nước ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao với sự phát triển khá nhanh của cộng đồng DN. Theo thống kê, hiện tổng số DN đang hoạt động là khoảng 715 nghìn DN. Tuy nhiên, đa số DN vẫn có quy mô vừa, nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ với “sức khỏe” chưa thực sự tốt, sức cạnh tranh yếu và khả năng thích ứng hoặc chống chịu đối với những thay đổi, tác động bên ngoài còn kém.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với sự nỗ lực của DN thì Chính phủ và các bộ, ngành cần có sự hỗ trợ hậu thuẫn cho DN thông qua việc theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến thương mại thế giới và xây dựng các kịch bản ứng phó chủ động, kịp thời… Đồng thời, nhanh chóng ban hành Chiến lược Quốc gia về CMCN 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2030.
TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang phá vỡ mọi cấu trúc thặng dư và giá trị, vượt qua khuôn khổ luật pháp và bắt buộc mọi DN phải đổi mới nếu không muốn thụt lùi. Tuy nhiên, hiện nhiều DN khi đối diện với CMCN 4.0 không biết đi đâu về đâu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, theo ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thời gian vừa qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chủ động thích ứng với CMCN 4.0 là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay, 61% DN vẫn ngoài cuộc với CMCN 4.0, 21% DN đang bắt đầu có những hoạt động chuẩn bị bước vào áp dụng công nghệ.

Cũng theo ông Tuấn, Báo cáo về tính sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của các quốc gia của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, so với 100 quốc gia được lựa chọn đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm nước chưa sẵn sàng với CMCN 4.0 (mức độ sơ khởi).

Ở khía cạnh khác, Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á cũng chỉ ra, hiện chỉ có 21% các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia…

Ngoài ra, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết thêm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn xếp thứ 77/140 nền kinh tế, tức là chúng ta ở mức trung bình về năng lực cạnh tranh với khả năng quản trị DN còn thấp kém.

Cần có sự liên kết giữa các DN

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở rộng, hội nhập sâu rộng toàn cầu, trong khi đó kinh tế thế giới có nhiều biến động như căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn như Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang, sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới và các thị trường lớn như Mỹ, EU… Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách là cần có giải pháp tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, trong đó chủ thể chính là DN.

Về vấn đề này, theo ông Cấn Văn Lực, để ứng phó kịp thời với sự biến động của nền kinh tế, thị trường thế giới, DN Việt cần có sự chuẩn bị tốt nhất thông qua việc tăng cường đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực hội nhập; chú trọng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao; tăng cường liên kết chặt chẽ với cơ quan nhà nước… Đặc biệt, để nâng cao sức cạnh tranh thì DN phải có năng lực quản trị tốt, nhất là quản trị tài chính, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính. Đồng thời, DN phải biết cách và chủ động sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính về tỷ giá, lãi suất.., và xây dựng phương án ứng phó với các cú sốc kinh tế.

Còn theo ông Hà Huy Tuấn, ngoài các giải pháp mang tính truyền thống thì DN cần có ý thức và đầu tư hơn nữa vào công tác nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng. Đồng thời tăng cường công tác liên kết để chia sẻ thông tin giữa DN với cơ quan nhà nước. Hai bên cần chia sẻ thông tin với nhau một cách cởi mở, hiệu quả hơn để thông qua đó cơ quan nhà nước ban hành những chính sách phù hợp, hệ thống pháp lý phù hợp, hỗ trợ DN phát triển một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, cần liên kết giữa các DN để chia sẻ, trao đổi, cập nhật thông tin với nhau. “Đa số DN là nhỏ và vừa, việc một DN chi cho nghiên cứu khoa học công nghệ đòi hỏi nguồn tài chính lớn và gây khó khăn. Tuy nhiên nếu nhiều DN liên kết, hợp tác với nhau cùng thực hiện thì bài toán này sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, tận dụng được sự sáng tạo, nghiên cứu của nhau”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm