Thanh Hóa: Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động kỹ thuật cao
Doanh nghiệp cần xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế / Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi doanh nghiệp "đàn anh" nâng đỡ Startup Việt
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, chỉ riêng 5 tháng đầu năm, số lượng lao động mà các doanh nghiệp cần tuyển dụng thông qua trung tâm lên tới gần 20 nghìn người, trong khi đó, trung tâm mới chỉ kết nối việc làm thành công cho gần 1 nghìn lao động, tức là chỉ đáp ứng được 5% so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Hàng năm tỉnh Thanh Hóa có 10.000 sinh viên, học viên được đạo tạo chính quy nhưng trong số đó chỉ đáp ứng được 5% số lượng lao động chuyên môn kỹ thuật cho doanh nghiệp
Ông Hoàng Ngọc Thanh, Giám đốc công ty TNHH Minh Lộ có địa chỉ tại Khu Đô thị Bắc Đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên phát triển các phần mềm ứng dụng, đặc biệt là các gói phần mềm trong lĩnh vực y tế nên yêu cầu về chất lượng nguồn lao động có phần cao hơn so với một số lĩnh vực khác. Hầu hết, các lập trình viên, kỹ thuật viên, nhân viên của công ty đều phải có bằng tốt nghiệp đại học (triển khai dự án) và tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin (sản xuất phần mềm). Do vậy, việc tuyển dụng lao động đáp ứng được tiêu chuẩn là vấn đề khá nan giải. Mặc dù mỗi năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học trên địa bàn tỉnh khá nhiều, nhưng những người có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin thì rất ít. Nếu tuyển lao động ngoài tỉnh thì sẽ khó cạnh tranh vì mức lương họ yêu cầu thường rất cao.
Tương tự, tại công ty TNHH South Asia Garments cũng đang gặp khó trong công tác tuyển dụng. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11–2018 với quy mô 900 lao động nhưng hiện nay, đơn vị vẫn trong tình trạng thiếu người làm. Là công ty mới thành lập và cũng là công ty áp dụng công nghệ may len đầu tiên trên địa bàn tỉnh nên công tác tuyển dụng có phần khắt khe hơn so với nhiều doanh nghiệp dệt may khác. Đối tượng được tuyển dụng phải trong độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi vì đặc thù của công việc là yêu cầu người làm có đôi mắt nhanh nhạy và đôi tay khéo léo. Tuy nhiên, số lượng đáp ứng yêu cầu này không nhiều vì đa số những người trong độ tuổi này đang có công việc ổn định tại những công ty khác. Được biết, đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp khi tuyển dụng như thông qua trung tâm dịch vụ việc làm, phát tờ rơi, đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhưng số lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Thực tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 5 trường đại học; 14 trường cao đẳng, cao đẳng nghề; 17 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, với số lượng đào tạo hàng năm khoảng hơn 10.000 sinh viên hệ chính quy. Mặc dù, số lượng lao động được đào tạo là khá dồi dào, vậy nhưng, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vẫn trong tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, lý giải cho điều này rằng: Mặc dù nguồn lao động tại Thanh Hóa rất lớn nhưng đội ngũ lao động có tay nghề hay công nhân kỹ thuật lại rất hạn chế. Trên thực tế, một số lao động ở những địa phương khác cũng muốn đến các khu công nghiệp trong tỉnh làm việc nhưng e ngại về vấn đề nhà ở vì với mức thu nhập không cao mà phải thuê nhà nữa thì cuộc sống khá chật vật.
Như vậy, để bổ sung hay nâng cao chất lượng lao động thì tỉnh Thanh Hóa cần phải có những chính sách phù hợp nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề, sớm xây dựng đội ngũ lao động có năng suất và kỹ năng cao hơn trước để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo