Thủ tướng sẽ trực tiếp đưa ra cam kết với doanh nghiệp tại "Hội nghị Diên Hồng"
DNVN - Thông tin này đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh tại cuộc họp báo thông tin những nét chính của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 - sự kiện được xem như "Hội nghị Diên Hồng" diễn ra vào sáng 9/5 tới.
Sắp truyền hình trực tiếp Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp / Hỗ trợ DN nhưng không được phá vỡ các tiêu chí về an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng
Tại cuộc họp báo sáng 07/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, với tinh thần cỗ vũ, động viên, khơi gợi tinh thần yêu nước, sáng tạo đối với doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới sau khi chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020 nhằm ba mục tiêu chính.
Một là, động viên cộng đồng DN trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hai là khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của DN cùng Chính phủ nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước; Thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN. Ba là lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của DN, đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại họp báo.
Theo ông Vũ Đại Thắng, trong thời gian qua, các bộ, ngành đã có nhiều hoạt động liên quan đến đánh giá, khảo sát, khuyến nghị xây dựng chính sách mới. Cụ thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã làm việc với nhiều hiệp hội DN, trong đó Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng đã làm việc trực tiếp với 8 hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của DN; cũng như tổng hợp những đánh giá của DN về các chính sách của Chính phủ, qua đó tìm hiểu dư địa để xây dựng chính sách hỗ trợ mới...
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã tổ chức khảo sát nhanh từ ngày 10 đến 20/4/2020 với sự tham gia của gần 130.000 doanh nghiệp. Đây là mẫu số rất lớn, nên kết quả khảo sát phản ánh khá trung thực mong muốn và kỳ vọng của cộng đồng DN trong và ngoài nước, của doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
"Do khảo sát này có sự tham gia đông đảo của DN, cùng với sự cầu thị lắng nghe tâm tư của DN nên mục đích của Hội nghị sắp tới sẽ không phân tích, mổ xẻ nhiều vào khó khăn, vướng mắc của DN. Thay vào đó, hội nghị sẽ tập trung vào những tham mưu, hiến kế của DN để qua đó Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương xây dựng cơ chế chính sách mới phù hợp trong tình hình mới, và để có sự đồng hành hơn nữa giữa Chính phủ, các cơ quan quản lý của Nhà nước và DN trong giai đoạn tới", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết, hội nghị dự kiến sẽ tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính. Một là, đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN; ghi nhận và khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của các DN trong quá trình phòng chống dịch Covid-19.
Hai là, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ DN ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua.
Ba là, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19; khuyến khích DN tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch Covid-19, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng DN nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sau đại dịch. Nội dung thảo luận tập trung vào các nội dung: Hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; Chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả phía cung và phía cầu; Chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để chủ động trong sản xuất kinh doanh; Cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế,…;
"Sau khi lắng nghe những ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng các Phó Thủ tướng sẽ trực tiếp đưa ra các thông điệp, cam kết đối với cộng đồng DN, kể cả DN trong và ngoài nước trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ sẽ tổng kết các sáng kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân để nghiên cứu ban hành Kế hoạch hành động hoặc Nghị quyết của Chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế, thích ứng, đổi mới và phát triển.
Đây là lần đầu tiên thội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội với 63 điểm cầu trên cả nước, 30 đầu cầu của các bộ, ban, ngành TƯ và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam. Tất cả cộng đồng 800.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam, 5 triệu hộ kdoanh, cùng gần 100 triệu người dân Việt Nam và ở nước ngoài có cơ hội được lắng nghe y kiến của DN và người đứng đấu Chính phủ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo