Thủ tướng: Doanh nghiệp hiến kế chứ không kể khổ tại "Hội nghị Diên Hồng"
DNVN - Sáng 06/5, tại cuộc họp nghe báo cáo về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp - sự kiện được xem như "Hội nghị Diên Hồng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các DN, đại biểu tham dự hội nghị hiến kế các giải pháp thúc đẩy phát triển, vượt qua khó khăn chứ không phải chỉ nêu khó khăn.
Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, dịch bệnh / Doanh nghiệp ‘vượt bão’ nhờ quản trị tốt
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 09/5 tới nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Tổng số lượng đại biểu dự kiến khoảng 6.000 người tại các điểm cầu và với truyền hình trực tiếp thì khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Theo dự kiến, hội nghị sẽ có các báo cáo chính của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các bộ, ngành về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; các tham luận của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP).
Nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ đây không phải dịp “than nghèo, kể khổ” mà phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, đại biểu tham dự hội nghị hiến kế với Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển trong bối cảnh cả nước vừa kỷ niệm đại thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, công tác chuẩn bị phải công phu, khoa học, chặt chẽ, tôn trọng người nghe. Trong báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu phải rõ ràng, chất lượng, đặc biệt là phải nêu rõ được những hỗ trợ nào khác đối với doanh nghiệp, ví dụ như thị trường mới là gì, lao động, tín dụng mới là gì, thuế phí thế nào…để sau hội nghị này sẽ có sản phẩm cụ thể với hình thức phù hợp, có thể là ban hành Nghị quyết, hoặc chương trình hành động của Chính phủ.
Về công tác truyền thông cho sự kiện quy mô lớn chưa từng có này, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần tiếp tục tuyên truyền về các tấm gương vượt khó để phát triển khi mà “có những doanh nghiệp của thương binh, của người khuyết tật còn cố gắng giữ lao động”.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo