Ứng phó với biến đổi khí hậu: Sự hỗ trợ của Chính phủ chưa đủ để DN phát triển bền vững
DNVN - Chính vì sự tồn tại và phát triển của mình mà các doanh nghiệp (DN), cộng đồng đều đã có những hành động chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hành động của DN là chưa đủ, và sự hỗ trợ của Chính phủ cũng chưa đủ để DN có thể triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Viettel phát động cuộc thi Tìm kiếm giải pháp sáng tạo toàn cầu / Gần 100% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử
Tại Hội thảo "Ứng dụng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững: Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH & ĐT) tổ chức sáng 18/6 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã có những đánh giá về vai trò và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như những thách thức, cơ hội mà DN đối mặt và trách nhiệm của DN, Chính phủ trong ứng phó với BĐKH để phát triển bền vững.
PGS.TS Lê Xuân Đình - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và dự báo phát biểu: Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam đã khẳng định quan điểm: “Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của toàn hệ thống; phát huy vai trò chủ đạo trong quản lý, điều hành của Nhà nước, nâng cao tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của khu vực doanh nghiệp, phát huy sự tham gia và giám sát của các đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư”.
"Cộng đồng DN đóng vai trò quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. DN vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với BĐKH, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh", ông Đình khẳng định.
TS. Nguyễn Hữu Ninh phát biểu tại hội thảo.
Theo TS. Nguyễn Hữu Ninh - Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED), trong top 200 công ty có vốn hóa thị trường 17 nghìn tỷ USD thì rủi ro khí hậu là 1 nghìn tỷ USD. Hơn hơn 80% doanh nghiệp nhận thấy tác động lớn của khí hậu đối với hoạt động của họ, với nhiều mối nguy hiểm có thể xuất hiện trong vòng 5 năm tới. Theo đó, 500 tỷ USD chắc chắn bị ảnh hưởng ngay lập tức.
"Vô số rủi ro BĐH bao gồm tài sản suy yếu, thay đổi thị trường và thiệt hại vật chất do tác động của khí hậu, cũng như tác động hữu hình đến kết quả kinh doanh của DN", TS Ninh nhận định.
Ngoài ra, với xu thế phát triển bền vững, các DN có thể bị mất vốn trầm trọng (nhất là trên thị trường quốc tế) khi mà hoạt động của họ bị đánh giá thiếu bền vững. Không những thế, DN có thể đổi mặt với các vấn đề kiện tụng do phải chịu trách nghiệm do những thiêt hại liên quan tới cơ sở vật chất/hoạt động do mình quản lý cho dù họ không gây ra. Ví dụ Hà Nội URENCO phải chịu trách nghiệm bồi thường cho những nạn nhân bị thiệt hai do cây đổ.
Tuy nhiên, các công ty đã xác định các cơ hội trị giá 2,1 nghìn tỷ USD trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Các dịch vụ tài chính được hưởng lợi nhiều nhất, với cơ hội trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, tiếp theo là sản xuất ở mức 338 USD.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ về biến đổi khí hậu cũng tạo ra nhiều cơ hội cho DN, đó là các cơ hội cho nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhận thức về biến đổi khí hậu của nhiều DN còn hạn chế, chưa quan tâm tới bảo vệ môi trường, thực hiện mô hình sản xuất và tiêu dùng nhằm phát thải các-bon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Toàn cảnh hội thảo.
Đưa ra một số kiến nghị với DN, ông Nguyễn Trung Thắng - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) cho rằng, về thích ứng BĐKH, DN cần cân nhắc, xem xét các tác động của BĐKH khi thực hiện đánh giá tác động môi trường; Thực hiện các biện pháp phòng, chống giảm nhẹ thiên tai trong quá trình hoạt động; Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH. Về giảm nhẹ phát thải KNK: DN cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng; Đầu tư, ứng dụng năng lượng tái tạo khi có thể; Áp dụng các biện pháp, mô hình cac-bon thấp, SXSH, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu trong SXKD
Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Hải - Trưởng Ban Phát triển và Quan hệ đối tác VBCSD - VCCI cho rằng, DN cần thực hiện ngay việc gia tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tiêu thụ trong sản xuất, kinh doanh; Chuyển đổi dần sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường; Kiểm soát hạn chế chất thải, phát thải; Tăng cường sử dụng các loại vật liệu tái chế; Tham gia chia sẻ, đóng góp cho các sáng kiến chung.
Theo đánh giá của ông Hải, hành động của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng chưa đủ để doanh nghiệp triển khai hoạt động nhằm phát triển bền vững.
Do đó, Trưởng Ban Phát triển và Quan hệ đối tác VBCSD - VCCI kiến nghị Chính phủ cần tăng cường giám sát thực thi luật pháp môi trường của DN; Hỗ trợ DN tiếp cận công nghệ hợp lý; Hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện môi trường; Nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện khung chính sách nhằm thực hiện các mô hình kinh tế mới.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo