Hỗ trợ doanh nghiệp

Việt Nam phải chấp nhận 'luật chơi' về truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Khi hội nhập ngày càng sâu vào thế giới, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các “luật chơi”, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Ngày 24/8, tại Hà Nội, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại”.

Hội thảo giúp các doanh nghiệp Việt Nam cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức để tận dụng các cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp đối với hoạt động này để có hình thức quản lý phù hợp.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay truy xuất nguồn gốc đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp nói riêng. Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành nghề cụ thể.

Theo bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là việc cả thế giới đã làm, Liên minh châu Âu (EU) đã có tiêu chuẩn chung và Việt Nam đã có những nghị định, chỉ thị từ cách đây 2, 3 năm. Khi hội nhập ngày càng sâu vào thế giới, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các “luật chơi”, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Bà Lý cho biết, đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. “Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế”, bà Lý nói.

Còn theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc ứng dụng những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các công nghệ cao như blockchain, điện toán đám mây vào vấn đề truy xuất nguồn gốc nói riêng và mọi mặt đời sống xã hội nói chung sẽ trở thành xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay.

Ông Trung cũng đề xuất một số giải pháp đến các cơ quan quản lý như: Quy định rõ các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hành nghề cho các công ty cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc; khuyến khích các công ty công nghệ áp dụng các tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu như áp dụng Blockchain, IoT, GS1-EPCIS… cho hàng xuất khẩu để tạo lợi thế cho hàng Việt Nam; Hình thành hệ thống thông tin – cơ sở dữ liệu áp dụng Công nghệ 4.0 để chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và nhà sản xuất…

Theo Thời báo ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo