Vietnam Airlines “bốc hơi” 50.000 tỷ đồng, hơn 10.000 nhân viên “mất việc”
Mercedes-Benz tạm dừng sản xuất tại Việt Nam đến 15/4/2020 / Đến lượt Honda Việt Nam dừng sản xuất vì dịch Covid-19
Thông tin trên được nêu trong thư của ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc VNA - gửi người lao động doanh nghiệp này.
“Chưa bao giờ chúng ta phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác” - ông Thành nói và khẳng định VNA cũng như các hãng hàng không khác đang phải đối mặt với những thách thức mang tính “sống-còn”.
Theo Tổng Giám đốc VNA, với lịch bay và tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến năm 2020, Vietnam Airlines sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch.
Ông Thành cho biết VNA đã, đang và sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá như: Tái cơ cấu lao động, tinh giản biên chế; tổ chức lại bộ máy, dây chuyền sản xuất; điều chỉnh thu nhập; cắt toàn bộ các khoản chi chưa thực sự cấp bách; giãn/hoãn các khoản chi có thể; đàm phán để giảm đơn giá, giảm giá đối với các hợp đồng đã ký kết…
“Những điều chỉnh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả cán bộ công nhân viên trong toàn Tổng Công ty khi hơn 50% người lao động phải ngừng việc, toàn bộ người lao động phải giảm lương” - ông Thành thông tin.
Hiện nay, VNA Group có khoảng hơn 20.000 cán bộ nhân viên, trong đó lực lượng phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người. Việc 50% lao động ngừng việc đồng nghĩa với việc số lượng lên tới hơn 10.000 người. Riêng phi công, tiếp viên VNA, tỷ lệ phải ngừng việc lên tới 90%.
Được biết, trong đội bay 108 chiếc của VNA có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc Airbus 350. Mỗi tháng, tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc “siêu máy bay” VNA phải trả rơi vào khoảng 1 triệu USD, cả đội “siêu máy bay” là khoảng gần 30 triệu USD/tháng. Tiền sân đỗ máy bay của VNA phải chi trên 6 tỷ đồng/tháng.
Từ 0h ngày 1/4, mỗi ngày Vietnam Airlines chỉ thực hiện 6 chuyến bay/ngày giữa Hà Nội - TPHCM và Đà Nẵng.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không - cho biết lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ.
“Vấn đề lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền đã mất hết, không có dòng tiền về nên hãng không thể trang trải. Dòng tiền giống như mạch máu trong cơ thể con người, máu phải chảy thì mới sống được” - ông Thắng nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không, việc duy trì một số ít đường bay trọng điểm và giới hạn tối đa tần suất khai thác nên các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực. Tuy nhiên, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho rằng dù tình hình thế nào đi nữa thì việc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo