Vướng quy định nhập khẩu bông rơi, doanh nghiệp phải trả tiền lưu kho bãi hàng tỷ đồng
Ngành điện miền Nam “xuyên đêm” đưa các công trình trọng điểm về đích / EVNCPC khởi công, đóng điện hàng loạt dự án 110kV
Thông tin được ông Ngô Mạnh Hùng đến từ Công ty TNHH Bông Thái Bình phản ánh tại hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 sáng 10/12 tại Hà Nội.
Theo ông Hùng, Công ty TNHH Bông Thái Bình Bông và nhiều doanh nghiệp (DN) bông sợi khác trên địa bàn tỉnh Thái Bình sản xuất sợi OE, nguyên liệu chính là bông rơi nhập khẩu. Gần 1 năm qua, các DN sợi OE gặp khó khăn trong việc nhập khẩu mặt hàng bông rơi do cơ quan hải quan sau khi lấy mẫu, phân loại các hàng hóa này vào nhóm phế liệu bông phải áp dụng mức thuế suất 10%. Việc đưa mặt hàng bông rơi vào nhóm phế liệu bông dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp sợi OE do phải chịu mức thuế cao và phải áp dụng chính sách đối với phế liệu nhập khẩu. Các DN cho rằng, đây không phải là phế liệu mà là nguyên liệu chính để sản xuất sợi OE.
"Sau khi có kết quả giám định của Cục thuế, Hải quan Hải Phòng không cho thông quan hàng hoá, theo đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các DN bông sợi tại Thái Bình. DN hiện vẫn đang phải tiếp tục trả tiền lưu kho bãi gần 1 năm nay và số tiền lên đến hàng tỷ đồng. DN không có nguyên liệu để sản xuất nên buộc phải đóng cửa, trong đó có Công ty Toàn Thắng. Các DN khác phải sản xuất cầm chừng do phải mua lại nguyên liệu của các DN nhập khẩu khác", đại diện Công ty TNHH Bông Thái Bình Bông nêu.
Hiệp hội Bông sợi Việt Nam đã có công văn và khẳng định rằng bông rơi mặc dù có chứa tạp chất hữu cơ nhưng không gây hại cho môi trường. Bông rơi là nguyên liệu chính để sản xuất sợi OE. Nếu không cho nhập khẩu bông rơi, ngành sợi OE thì không thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
"Các DN sợi OE tại Thái Bình đã kiến nghị nhiều lần, gửi cả đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, VCCI. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính chủ động, tích cực hơn trong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết việc nhập khẩu bông rơi để tháo gỡ khó khăn cho DN", ông Hùng đề xuất.
Chia sẻ trước vướng mắc DN này nêu, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, đây là vướng mắc lớn. Trên thực tế, bông rơi chia làm 2 loại: bông rơi chải thô và bông rơi chải kỹ. Hiện vướng mắc nằm ở bông rơi chải thô. Với mặt hàng này, mặc dù các DN khai báo là bông rơi chải thô nhưng khi đem đi phân tích, giám định, thì tỷ lệ tạp chất rất cao, có trường hợp tỷ lệ tạp chất lên đến 40%. Có ranh giới giữa phế liệu và không phải phế liệu. Về vấn đề này, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Tư pháp.
"Chúng tôi rất chia sẻ với vướng mắc của DN nhưng Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan là cơ quan thực hiện. Gần đây nhất, tháng 11/2024, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành cũng như kiến nghị của DN, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ có chỉ đạo, sau đó chúng tôi sẽ hướng dẫn DN thực hiện việc được phép hay không được phép nhập khẩu bông rơi chải thô. Hiện nay tất cả DN ở các địa phương nhập khẩu bông rơi chải thô đều vướng, chứ không riêng ở Thái Bình như DN nêu", đại diện Tổng cục Hải quan giải đáp.
Tại sự kiện, rất nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề thuế, hải quan được cộng đồng doanh nghiệp nêu ra. Đại diện Bộ Tài chính đã có những thông tin trả lời cụ thể, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.
Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với giá trị lớn và phạm vi rộng đã được triển khai. Các giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn mà còn đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực thuế, tính đến giữa tháng 11/2024, hệ thống khai thuế điện tử đã bao phủ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố với 99,93% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng. Hơn 98% doanh nghiệp nộp thuế và 97% hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện qua phương thức điện tử. Về hải quan, trên 99% thủ tục đã được xử lý qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý hiện đại.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đánh giá cao vai trò của Bộ Tài chính trong việc kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh, năm 2024 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với GDP ước đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực.
VCCI cũng đã cùng Bộ Tài chính xử lý hơn 450 kiến nghị của doanh nghiệp, từ các vướng mắc đặc thù đến các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn phản ánh các khó khăn về hoàn thuế, mức tính thuế và tính thống nhất trong áp dụng ưu đãi. Những vấn đề này đã được chuyển đến các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính và VCCI cam kết tiếp tục lắng nghe và tổng hợp các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để chuyển đến Chính phủ và các cơ quan chức năng, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo