Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyên gia: Thiếu doanh nghiệp 'sếu đầu đàn', Việt Nam mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu thị trường cơ khí

DNVN - Theo ông Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu bởi chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói.

Tấm lòng vàng của doanh nghiệp Đà Lạt trong mùa Festival hoa / Giảm thuế VAT: Động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định... cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh những thành công trong kinh doanh và phát triển thị trường cho sản phẩm cơ khí, dư địa phát triển thị trường cho sản phẩm cơ khí của Việt Nam còn rất lớn. Trong khi đó, xuất khẩu hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.

Theo ông Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu, Việt Nam vẫn đang còn rất khiêm tốn, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ. Trong đó, các nhà máy về nhiệt điện, thuỷ điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu, Việt Nam mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.

Lý giải nguyên nhân, ông Phong cho rằng Việt Nam chưa đáp ứng được nhiều là do chưa có đủ, chưa có nhiều doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để sở hữu các công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói.


Theo giới chuyên gia, dư địa phát triển thị trường sản phẩm cơ khí của Việt Nam còn rất lớn.

Ví dụ, trong lĩnh vực đường sắt đô thị hiện nay, hoặc là trong lĩnh vực các nhà máy điện khí, doanh nghiệp chưa có đủ các năng lực để làm tổng thầu hoặc làm trọn gói. Chỉ khi Việt Nam có những doanh nghiệp đủ năng lực để làm tổng thầu mới có thể phát triển các thiết bị phụ trợ của các dây chuyền thiết bị. Còn không làm chủ được thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ đi thuê lại các nhà thầu, có thể là nước ngoài hoặc các nhà thầu phụ trong chuỗi của họ hoặc các nhà thầu phụ tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta sẽ rất bị động trong phát triển các thiết bị phụ trợ.

Trong khi đó, trong quá trình hấp thụ chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cơ khí đối diện những điểm nghẽn trong cơ chế chính sách. Ví dụ việc xây dựng các mục tiêu trong các chiến lược, trong các quy hoạch, trong các chính sách thì còn thiên cao, chưa bám sát vào thực tế. Một số mục tiêu chưa cụ thể, dẫn đến khi tổng kết, đánh giá không có định lượng cụ thể được.

Hay một số cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính, về đầu tư hoặc về thuế quan rất hợp lý và tốt cho các doanh nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, khi ứng dụng còn nhiều vướng mắc, thậm chí chậm và có độ trễ dẫn đến các doanh nghiệp rất khó để ứng dụng. Một số cơ chế, chính sách đưa ra còn tương đối ngặt nghèo và chưa thực sự phù hợp, doanh nghiệp rất khó tiếp cận.

"Do vậy, theo tôi, chúng ta cần phải có đánh giá, sơ kết chính sách phát triển cơ khí trong thời gian vừa qua, từ đó có những hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt vừa rồi Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó quy định rất nhiều cơ chế, chính sách để phát triển các thiết bị cơ khí điện trong thời gian tới. Nếu trong quá trình sơ kết, đánh giá, tổng kết bổ sung được một số cơ chế, chính sách phù hợp thì thời gian tới các doanh nghiệp cơ khí có sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn", ông Phong nêu.

Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng, phần lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng và trường nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Do đó, việc tăng cường phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Việc thúc đẩy giải ngân vốn vay ưu đãi cho các daonh nghiệp hiện vẫn khá hạn chế. Nếu Nhà nước đã có chủ trương thì cần có sự sâu sát hơn nữa của các bộ, ban, ngành để nguồn tài chính được giải ngân một cách thực sự. Và doanh nghiệp được giải ngân phải thực sự là những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” có khả năng quản lý tài chính, có năng lực về quản lý sản xuất để điều tiết các đơn hàng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn ở bên dưới, hoặc các nhà thầu phụ. Qua đó mới hình thành được mạng lưới chuỗi các nhà cung ứng và mới khai thác được hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp, ông Cao Văn Hùng - Giám đốc phát triển thị trường quốc tế, Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường, trước hết doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, định vào thị trường nào thì nghiên cứu cơ chế chính sách của thị trường đó, đặc biệt là cơ chế chính sách đã được 2 bên ký kết trong các FTA.

Với các chương trình xúc tiến thương mại hàng năm của Bộ Công Thương tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với Cục Xúc tiến thương mại để có kế hoạch, đưa catalogue sản phẩm, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, tìm hiểu các thông tin của một số doanh nghiệp đã thành công ở thị trường, lấy đó làm kinh nghiệm, tránh được rủi ro khi tiếp cận thị trường mới.

Về nội tại các doanh nghiệp, ông Hùng khuyến nghị đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực, trang thiết bị cũng như đầu tư công nghệ, qua đó có thể sở hữu công nghệ của riêng mình để khi có sản phẩm cần phải thay đổi, doanh nghiệp có thể thay đổi ngay mà không bị động trước các đối tác nước ngoài.

Đồng thời, dây chuyền sản xuất cũng cần được hiện đại hoá, đầu tư tốt hơn khi đó giá thành mới cạnh tranh, chất lượng bảo đảm thì mới tạo ra được sự bền vững cho sản phẩm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm