IPO Viện Dệt May thu được 49 tỷ đồng, gấp đôi dự kiến
Theo báo Đầu tư, phiên đấu giá cổ phần của Viện Dệt May Việt Nam đã diễn ra ngày 12/3/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Viện Dệt May bán đấu giá 2,263 triệu cổ phần với giá khởi điểm 12.583 đồng/cổ phiếu. Tại phiên đấu giá, 21 nhà đầu tư đã đặt mua tổng cộng 14.336.100 cổ phần, gấp 6, 3 lần khối lượng IPO. Giá đặt mua cao nhất lên đến 30.000 đồng/cp.
Kết quả, có 8 nhà đầu tư trúng giá gồm 2 nhà đầu tư tổ chức và 6 cá nhân. Giá đấu thành công bình quân là 21.749 đồng/cp, tương ứng với tổng giá trị cổ phần bán được 49, 2 tỷ đồng.
Mức giá đấu thành công bình quân 21.749 đồng/cp là cao hơn 73% so với giá khởi điểm 12.583 đồng/cp. Thời gian nộp tiền mua cổ phần từ ngày 13/3 đến 16h ngày 22/3. Thời gian hoàn trả tiền đặt cọc từ ngày 14/3 đến ngày 19/3.
Theo báo Người đưa tin, phương án đã được phê duyệt, sau cổ phần hóa, viện Dệt may sẽ có tên mới là Viện Nghiên cứu Dệt may – CTCP, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, có trụ sở chính đóng tại số 478 Minh Khai, Hà Nội và có phân viện tại TP.Hồ Chí Minh.Sau IPO, Nhà nước sẽ không còn nắm giữ cổ phần nào. Ngoài 2.263.000 cổ phần (45,26%) vừa đấu giá, sẽ có 2.263.000 cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, còn lại bán ưu đãi cho người lao động nội bộ. Hiện chưa có thông tin về nhà đầu tư chiến lược sẽ mua 45,26% cổ phần viện Dệt may.
Viện Dệt may Việt Nam là một đơn vị hoạt động theo loại hình tổ chức sự nghiệp khoa học công nghệ độc lập, trực thuộc tập đoàn Dệt may Việt Nam, chuyên sản xuất sợi, sản phẩm dệt, phụ liệu may mặc, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dệt may...
Doanh nghiệp này nhiều năm gần đây hoạt động kinh doanh khá là èo uột. Theo bản công bố thông tin trước khi IPO thì doanh nghiệp có tổng giá trị tài sản hơn 52 tỷ đồng vào năm 2014 song đến 2017 chỉ còn 41 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tự chủ năm 2014 đạt 60 tỷ, năm 2015 là 72 tỷ, 2016 là 74 tỷ nhưng đến 2017 tụt xuống 46 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng bấp bênh, từ 1,6 tỷ đồng năm 2014 teo tóp còn 608 triệu đồng vào năm 2017. Doanh nghiệp không vay ai và cũng chẳng cho ai vay.
Tuy nhiên, như nhiều DN Nhà nước khác, điểm hấp dẫn của viện Dệt may Việt Nam khi lên sàn là các khu "đất vàng" tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mà doanh nghiệp đang sở hữu.
Tại Hà Nội, Viện có khu đất rộng hơn 2.850m2 tại số 478 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng. Khu đất thứ hai rộng hơn 5.311m2 tại ngõ 454/24 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tại TP.Hồ Chí Minh, Viện đang sử dụng lô đất gần 2.220m2 tại số 354/128A Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, và sẽ tiếp tục quản lý cơ sở trên sau cổ phần hóa để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
End of content
Không có tin nào tiếp theo