Hỗ trợ doanh nghiệp

Kế hoạch hoá đầu tư trung và dài hạn

Xung quanh Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ (Chỉ thị 1792) vẫn còn khá nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Có ý kiến cho rằng, Chỉ thị 1792 là bước đi phù hợp trong tiến trình tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

 

Có ý kiến cho rằng, việc phân cấp quản lý đầu tư vừa qua là “quá mức”, vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí lớn nguồn lực, làm méo mó cơ cấu kinh tế.

 

Cũng lại có ý kiến, không cần thiết phải có Chỉ thị 1792, việc phân cấp quản lý đầu tư vừa qua là phù hợp, vấn đề quan trọng là phải có luật hoặc nghị định đầu tư công, trong đó, đi đôi với quyền hạn được phân cấp hiện nay của các cấp trong quản lý, quyết định đầu tư, phải có quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể ra quyết định đầu tư trước pháp luật.

 

Yêu cầu bức xúc từ thực tiễn

 

Số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2006 - 2010 của các địa phương tăng lên rất nhanh, trung bình khoảng 30 - 35%/năm. Lý do là nhu cầu đầu tư của các địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội ngày càng lớn.

 

Trong khi đó, mức vốn đầu tư từ ngân sách chỉ đáp ứng 15 - 20% tổng mức đầu tư các dự án mà các địa phương đưa vào kế hoạch hàng năm.

 

Với thực trạng này, trong giai đoạn 5 năm (2011 – 2015), giả thuyết địa phương không đưa thêm dự án mới nào vào kế hoạch và với mức vốn đầu tư từ ngân sách trung ương như hiện nay, thì phải đến hết năm 2015 mới đủ vốn thanh toán cho các dự án mà các địa phương đã bố trí trong kế hoạch năm 2011.

 

Riêng các dự án đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2012 – 2015, thì tổng nguồn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn này chỉ đảm bảo cân đối cho khoảng 35% tổng mức đầu tư các dự án mà địa phương, bộ ngành đã phê duyệt và được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua (theo Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 ngày 4/1/2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), chưa tính đến phần tăng tổng mức mà các tỉnh điều chỉnh do trượt giá và tăng quy mô.

 

Như vậy, số dự án dở dang ngày càng nhiều, số vốn đọng trong các công trình chuyển tiếp ngày càng lớn, nợ xây dựng cơ bản của các bộ, các tỉnh, các huyện, xã ngày càng tăng, nhưng trách nhiệm trả nợ lại là của Chính phủ.

 

Hơn thế, phần lớn số vốn nợ đọng trong các dự án dở dang là do các doanh nghiệp vay ngân hàng để thi công (số nợ này chưa được tính vào số nợ của Chính phủ). Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bị phá sản trong thời gian qua.

 

Chúng ta đều thấy, việc đề xuất dự án phần lớn từ các cấp lãnh đạo địa phương trên cơ sở kiến nghị từ cơ sở, là ý kiến của nhân dân, là bức xúc cần đầu tư và đều được HĐND cùng cấp bàn, quyết nghị thông qua. Tuy nhiên, đi cùng với đó là thực trạng đầu tư công ngày càng dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả ngày càng thấp.

 

Nguyên nhân thì nhiều, như việc lựa chọn dự án chưa chuẩn, chồng chéo… Nhưng có một nguyên nhân rất quan trọng là, việc phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương vừa qua tuy đúng hướng, song thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ để đảm bảo phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

 

Bên cạnh đó, thực tiễn hoạt động đầu tư cũng cho thấy, nhiều địa phương chưa xác định rõ khả năng của nguồn vốn đầu tư, nhất là phần ngân sách nhà nước, chỉ xác định chung chung là ngân sách nhà nước, không xác định được là từ chương trình nào, tổng vốn bao nhiêu?

 

Ví dụ, như đề án giảm nghèo cho các huyện theo Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ, đa số các tỉnh đều duyệt tổng vốn đầu tư cho 1 huyện nghèo trong 5 năm trên dưới 5.000 tỷ đồng, hoặc dự án đầu tư theo chương trình định canh, định cư bình quân 50 tỷ đồng/dự án, nhưng khả năng Trung ương cân đối cho là bao nhiêu thì chưa rõ. Nghĩa là, tỉnh, huyện cứ duyệt còn nguồn trung ương cân đối cho bao nhiêu thì không biết, đi xin Trung ương sau.

 

Đồng thời, đi đôi với quyền được quyết định thì trách nhiệm của người, tổ chức ra quyết định đầu tư không rõ ràng, hầu như không phải chịu trách nhiệm gì khi quyết định sai.

 

Mục tiêu của Chỉ thị 1792

 

Kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch có người dân tham gia đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh cùng với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á... thử nghiệm tại một số địa phương từ những năm 90 đến nay cho thấy, cách thức đầu tư “nhân dân họp bàn đề xuất công trình, dự án, chính quyền thông báo mức, cách thức hỗ trợ, trên cơ sở đó nhân dân lựa chọn công trình để xây dựng” đang phải huy hiệu quả cao.

 

Ví dụ, tỉnh Tuyên Quang với cơ chế nhân dân bàn đề xuất dự án, dân góp đá cát sỏi, dân tự thi công, nhà nước hỗ trợ xi măng và 2 triệu đồng/km quản lý phí, trong năm 2011 đã xây dựng được 665 km đường bê tông liên thôn, liên bản; tỷ lệ đóng góp của dân chiếm 50% tổng mức đầu tư, không có tiêu cực thất thoát trong đầu tư.

 

Chỉ thị 1792 cũng đã nhấn mạnh mục tiêu này, cụ thể là “nhân dân, các cấp chính quyền phải làm chủ kế hoạch đầu tư của địa phương mình, cấp mình; đảm bảo kế hoạch đầu tư phải được dân chủ bàn bạc, công khai, minh bạch, theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; kế hoạch đầu tư của cơ sở phải thống nhất, đồng bộ với kế hoạch chung của vùng, liên vùng, ngành, liên ngành; đảm bảo vốn đầu tư phải được bố trí tập trung để hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất; chuyển kế hoạch hàng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn; nâng cao hiệu quả đầu công nói riêng và đầu tư  xã hội nói chung”.

 

Chỉ còn một tồn tại mấu chốt là tỉnh, huyện, xã không xác định được rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách, chỉ biết là thiếu thì xin Trung ương.

 

Theo quan điểm của cá nhân, thì từ năm 2012 đến khi Luật Đầu tư công được xem xét ban hành, trong bối cảnh cơ chế phân cấp quản lý như hiện nay, để nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư công, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định tại Chỉ thị 1792.

 

Theo đó, Hội đồng nhân dân các tỉnh, huyện, xã chỉ được quyết nghị bố trí vốn cho các dự án đáp ứng các quy định tại Chỉ thị 1792 về dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới và phần vốn cân đối từ ngân sách cho các dự án chỉ trong tổng mức vốn mà Trung ương phân bổ cho tỉnh, tỉnh phân bổ cho huyện, huyện phân bổ cho xã và xã phân bổ cho xóm, thôn, bản.

 

Muốn thực hiện được điều này, chúng ta phải chuyển sang xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn. Khi các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn, căn cứ mức vốn Trung ương thông báo cho địa phương, tỉnh thông báo cho huyện, huyện thông báo cho xã, xã thông báo cho xóm, thôn, bản; căn cứ vào các quy định tại Chỉ thị 1792 về thời gian tối đa thực hiện dự án, mức phần trăm vốn tối thiểu cho các dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, dự án khởi công mới, các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn của mình và trình cấp có thẩm quyền thẩm định nguồn vốn và tổng mức vốn của các dự án đầu tư.

 

Việc thẩm định nguồn vốn đầu tư và tổng mức đầu tư của các dự án thực hiện theo quy định tại Chỉ thị 1792.

 

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và tổng mức vốn của các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương.

 

Cần phải khẳng định một điều là, các dự án, mức bố trí vốn cho từng dự án phải do chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có quyền phân bổ lại vốn cho các dự án cũng như bổ sung thêm dự án mới vào phương án của tỉnh.

 

Bộ chỉ có trách nhiệm xác định dự án ấy và mức vốn tỉnh bố trí cho dự án có đạt các tiêu chí quy định tại Chỉ thị 1792 hay không. Nếu đạt thì ra thông báo cho tỉnh triển khai thực hiện dự án, nếu không đạt thì yêu cầu tỉnh dừng triển khai thực hiện dự án đó và điều chỉnh lại phương án của mình.

 

Đối với phần vốn cân đối ngân sách của tỉnh, huyện, xã, vốn sổ số kiến thiết và các nguồn vốn có tính chất ngân sách khác của tỉnh, huyện, xã, Ủy ban nhân dân tỉnh tự tổ chức thẩm định nguồn vốn, tổng mức đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện tự tổ chức thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, xã tự tổ chức thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

 

Ở đây, tỉnh và huyện cũng phải tuân thủ nguyên tắc là tỉnh và huyện không được phân bổ lại vốn cũng như bổ sung thêm dự án mới vào phương án đề nghị của huyện, xã đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách huyện, ngân sách xã, thuộc thẩm quyền quyết định của chủ tịch huyện, của chủ tịch xã.

 

Chúng ta bắt buộc phải thực hiện nguyên tắc này nhằm để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, của các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư của cấp mình.

 

Như vậy, việc xây dựng kế hoạch có người dân tham gia, việc công khai, minh bạch, dân chủ trong xây dựng kế hoạch đầu tư mới được thực hiện. Khi đó, chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới trở thành hiện thực.

 

Đồng thời với tiến trình trên, phải khẩn trương xây dựng Luật Đầu tư công để trình Quốc hội thông qua, tạo căn cứ pháp lý cho nhân dân, các cấp các ngành thực hiện.

 

Trước mắt, phải xây dựng và ban hành Nghị định về xây dựng kế hoạch quản lý đầu tư trung hạn 2013 – 2015 để định hướng phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo