Hỗ trợ doanh nghiệp

Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Doanh nghiệp gặp khó trong khâu xác nhận nguyên liệu khai thác

Một số doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng khó thu mua nguyên liệu, sản xuất cầm chừng do ảnh hưởng của việc xác nhận nguyên liệu khai thác.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số cảng cá hiện đang thực hiện nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu khai thác một cách khá nguyên tắc và cứng nhắc theo các quy định tại Thông tư 02/2018 ngày 31/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều này đã dẫn đến ách tắc trong quy trình xác nhận nguyên liệu, khiến nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản gặp khó, do thiếu nguyên liệu sản xuất. 

Nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản gặp khó, do thiếu nguyên liệu sản xuất. . Ảnh: TTXVN.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 02, tổ chức quản lý cảng cá chỉ ký xác nhận sau khi đối chiếu nhật ký khai thác với thông tin về vị trí hoạt động của tàu do các trạm bờ cung cấp. Trong các trường hợp không ký giấy xác nhận, Tổ chức quản lý cảng cá phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. 

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tàu khi muốn truyền dữ liệu về bờ, chủ tàu sẽ ấn nút truyền dữ liệu vị trí của tàu, trạm bờ đặt tại các Chi cục Thủy sản sẽ nhận tín hiệu và lưu vào hệ thống máy tính. Việc chuyển thông tin nhiều khi bị nghẽn mạch, do một số yếu tố khác nhau và chưa đáp ứng được. Do đó, nhiều chủ tàu phải chủ động gọi điện cho chi cục để xác nhận, điều này thì không phải chủ tàu nào cũng có thể làm được, nhất là ở ngoài biển xa. 

Mặt khác, theo quy định, các tàu cũng phải gửi tín hiệu thông báo vị trí của tàu, số lượng tin nhắn không thống nhất chung mà tùy theo quy định của mỗi chi cục. Do đó, một số tàu chỉ nhắn đủ số lượng tin nhắn theo quy định để làm thủ tục về sau, sau đó không nhắn tin nữa. Bất cập này cũng khiến doanh nghiệp không được cảng cá xác nhận nguyên liệu với những lô không có được dữ liệu tin nhắn. 

Để khắc phục, khi tàu vào cảng, chủ tàu đã báo cho Ban quản lý Cảng cá để cử cán bộ tham gia cân nguyên liệu cùng với doanh nghiệp thu mua để xác nhận số lượng, nhưng khi làm bảng kê nguyên liệu doanh nghiệp vẫn không lấy được giấy xác nhận. 

Nguyên nhân chủ yếu của những tình trạng trên là do trùng thời điểm chuyển giao nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu khai thác từ Chi cục Thủy sản sang cảng cá theo Thông tư 02, trong khi các cảng cá lại thiếu nguồn lực, nhân lực, cơ sở hạ tầng… để đáp ứng yêu cầu mới này.

 

Tình trạng này đã tạo ra những khó khăn và áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, gây cản trở và tốn rất nhiều thời gian, công sức vì cần phải có các giấy tờ cần thiết để phục vụ xuất khẩu. Mặc dù các doanh nghiệp đã kiến nghị với các cấp quản lý địa phương để đưa ra hướng giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục. 

Theo đánh giá của các chuyên gia và VASEP, việc chuyển giao nhiệm vụ xác nhận nguyên liệu sang các cảng cá từ 18/3/2018 trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực khắc phục thẻ vàng và cải thiện quản lý nghề cá theo những định hướng phát triển bền vững là phù hợp theo các yêu cầu mới. 

Tuy nhiên, từ thời điểm chuyển giao cũng bắt đầu có ách tắc nhiều lô nguyên liệu khai thác. Ghi nhận của VASEP từ phản ánh của một số doanh nghiệp hải sản cho biết, kể từ 18/3/2018 đến nay, số lượng nguyên liệu hải sản khai thác được xác nhận tại các cảng cá không được bao nhiêu. 

Trước đó, trao đổi với phóng viên TTXVN, một số doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng khó thu mua nguyên liệu, sản xuất cầm chừng do ảnh hưởng của việc xác nhận nguyên liệu khai thác. Thẻ vàng IUU khiến cho xuất khẩu cá ngừ và một số mặt hàng hải sản bị xáo trộn trong 3-4 tháng đầu năm, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng chậm lại. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Trưởng ban IUU của VASEP, qua đợt kiểm tra của Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban Châu Âu (EC) tại các tỉnh ven biển Việt Nam từ ngày 15-23/5/2018, Đoàn thanh tra của EC cho rằng, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục thẻ vàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề chưa đáp ứng được cần phải tiếp tục cải thiện; việc thực thi một số chính sách, quy định vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa của các bên liên quan. EC vẫn giữ thẻ vàng với hải sản Việt Nam và sẽ có đợt đánh giá tiếp theo vào tháng 1/2019. 

 

Trong bối cảnh EC vẫn giữ thẻ vàng với hải sản Việt Nam, các doanh nghiệp đang mong mỏi có sự điều chỉnh và cải thiện đồng bộ hơn trong vấn đề xác nhận nguyên liệu khai thác. Từ việc có cơ chế chặt chẽ hơn với ngư dân để họ nộp đầy đủ nhật ký khai thác và gửi tin nhắn về trạm bờ, lấy cơ sở xác nhận. Các cảng cá cũng cần được phân định rõ trách nhiệm nghĩa vụ, cải thiện nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xác nhận nguyên liệu một cách đầy đủ, kịp thời hơn. 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương vẫn đang nỗ lực triển khai các quy định liên quan trong việc khắc phục thẻ vàng của EU. Tuy vậy, trước những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, VASEP cho rằng, cần có sự hợp tác và hỗ trợ hơn nữa của các cảng cá cũng như các cơ quan quản lý để giúp doanh nghiệp, ngư dân khắc phục những bất cập từ quy định. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và đáp ứng quy định của thị trường EU.

Nên đọc
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo