Trước những thiên tai và thảm họa có quy mô lớn trên khắp thế giới, con người đang nhìn nhận vấn đề tận thế một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết. Không chỉ là ý tưởng xuất hiện trong phim giả tưởng, mà giờ đây nhiều tổ chức đã bắt đầu chuẩn bị cho ngày này trong thực tế.
Căn hầm, gồm ba buồng lưu trữ có khả năng chứa 4,5 triệu mẫu hạt giống, được xây bên trong một ngọn núi trên đảo Spitsbergen, thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy, cách Bắc Cực khoảng 1.300 km. Đây là ngân hàng hạt giống lớn nhất thế giới được thiết kế để bảo tồn các loài cây nông nghiệp chính trong trường hợp thảm họa toàn cầu có thể xảy ra trong tương lai.
"Khi tốc độ biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học gia tăng, nỗ lực cứu các loài cây lương thực có nguy cơ tuyệt chủng càng trở nên cấp bách", Stefan Schmitz, người đứng đầu Ủy ban Đa dạng Cây trồng Toàn cầu nhấn mạnh. "Mỗi mẫu hạt giống trong kho đều nắm giữ giải pháp tiềm năng giúp con người phát triển nông nghiệp bền vững".
Bên cạnh nhóm cây trồng chính là lúa và lúa mì, lô hạt giống mới còn bao gồm đậu, bí và ngô thiêng của người Cherokee. Thân vương xứ Wales Charles cũng quyên góp hạt giống của 27 loài thực vật hoang dã như anh thảo hoa vàng và hoa lan được thu thập từ đồng cỏ Highgrove, quê hương của ông.
Lô hạt giống mớiđã nâng tổng số loại cây trồng được lưu trữ dưới hầm Noah lên tới 1,05 triệu mẫu.
Svalbard là nơi xa nhất về phía bắc của Trái Đất mà vẫn có các chuyến bay kết nối đến. Nơi đây quanh năm có nhiệt độ âm và độ ẩm không khí rất thấp, giúp các giống cây được lưu trữ ở điều kiện tốt nhất. Giống cây ở đây sẽ được trữ băng trong suốt 200 năm dù cho có mất điện.
Hầm trữ tọa lạc 1.000 km về phía bắc đất liền Na Uy, nó được đào nhân tạo vào sâu trong lòng núi Platåberget với độ sâu hơn 120 mét. Chi phí xây dựng hơn 9 triệu USD và phí duy trì hằng năm khoảng 150.000 USD được chính phủ Na Uy bảo trợ. Hầm nhanh chóng liên hệ với các quốc gia trên thế giới để nhận giống cây về lưu trữ.
Được ví như con tàu của Noah trong kinh thánh, cứu rỗi nhân loại và xây dựng lại xã hội sau ngày tận thế. Hầm đang lưu trữ 11.085.526 cá thể gồm 5.997 loài thực vật từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó đã có 116.494 hạt được gửi về tự nhiên sau nhiều vụ cháy rừng, thiên tai ở từng vùng.
“Thảm họa ở đây không chỉ là chuyện xa vời nếu ngày tận thế xảy ra, mà còn là những vấn đề gần gũi hơn như nạn chặt phá rừng, cháy rừng, đô thị hóa, chiến tranh,... Những giống cây trồng ở đây sẽ được gửi về thiên nhiên nếu cần thiết để đảm bảo đa dạng sinh học cho vùng”, Cary Fowler, nhân viên làm việc tại đây chia sẻ.
Các giống cây sau khi được gửi vào sẽ phải quét qua tia X để đảm bảo không có các yếu tố sâu bệnh hay tạp nham dẫn đến hư giống. Mỗi năm, hầm trữ chỉ mở cửa khoảng 3, 4 lần để nhận thêm các giống cây mới. Theo thiết kế, hầm sẽ trữ được 4,5 triệu mẫu giống với 500 hạt mỗi mẫu, tức là được 2 tỷ hạt giống.
Năm 2015, ngân hàng hạt giống lần đầu tiên cho xuất quỹ để gửi các hạt giống về Syria. Tại đây, chiến sự đã tàn phá rất nhiều mảng xanh và nhiều loại cây đã không còn một cá thể nào tại Syria. Đây là lần đầu tiên kho trữ giống cho thấy được vai trò trong thực tế của nó.
Dù được trữ đông ở -18 độ C nhưng các nhà nghiên cứu đang lo ngại vấn đề nóng lên toàn cầu, mà Bắc cực là vùng có nhiệt độ trung bình tăng cao nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, băng ở ngoài hầm tan chảy thành nước khiến nước chảy vào bên trong và gây ngập mức độ nhẹ.
Các chuyên gia làm việc tại đây cho biết đây không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng vẫn tính đến các dự án phòng ngừa vì tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một cực đoan.