4 nhân vật giàu có nhất trước khi trở thành đầu lĩnh Lương Sơn Bạc
Dưới đây là Tốp 4 hảo hán “phú gia địch quốc” trước khi trở thành đầu lĩnh Lương Sơn Bạc.
Té ngửa lý do trở thành “anh hùng” của nhiều hảo hán Lương Sơn Bạc / Thần y Lương Sơn Bạc: Tài năng y thuật vượt cả Hoa Đà
Tiểu Toàn Phong Sài Tiến
Không có số liệu cụ thể về độ giàu có của Sài Tiến. Nhưng với những gì Thi Nại Am mô tả về “Tiểu toàn phong” thì đây đích thị là đầu lĩnh giàu có nhất trước khi gia nhập Lương Sơn. Sài Tiến xuất thân từ giới quý tộc Thương Châu, là hậu duệ của Chu Thế Tông Sài Vinh. Sài Tiến rất hào phóng trong việc sử dụng tài sản của mình để giúp đỡ kẻ nghèo và các hảo hán gặp nạn, là người mà nhiều đầu lĩnh hàng đầu Lương Sơn từng chịu ơn.
Hồi thứ 9 Sài Tiến được giới thiệu như thế này: “Có ông đại tài chủ, tên gọi là Sài Tiến, ở đây thường gọi là Sài Đại Quan Nhân, mà đám giang hồ thì vẫn gọi là Tiểu Đoàn Phong Sài Tiến, vốn là con cháu Sài Thế Tông nhà Đại Chu khi trước. Từ khi Trần Kiều binh biến nhường ngôi cho Thái Tổ rồi Vũ Đức hoàng đế mới sắc phong cho Đan thư thiết khoán... Ông ta thích chiêu hào những hảo hán trên đời, cho nên trong nhà lúc nào cũng nuôi đến năm bảy mươi người”.
Cơ ngơi của Sài Tiến được miêu tả trong đoạn Lâm Xung cùng hai tên công sai đến tìm gặp, hoành tráng vô cùng: “đến một tòa cầu đá lớn, đoạn rồi thấy đường rộng thênh thang, chẳng khác gì một nơi quan lộ, gần trông có một đám tơ liễu xanh rì, hiện ra một tòa trang viện rất to, chung quanh toàn là hào rãnh đào sâu, mà trên bờ trồng tinh dương liễu. Ba người dẫn nhau đi theo con đường lớn, vòng quanh sang mặt tả, đến một nơi cầu nhỏ cổng trong”.
Chỉ riêng lần tiếp Lâm Xung, Sài Tiền đã cho thấy độ chịu chi… khủng khiếp, bao gồm: 25 lạng bạc thưởng cho “Báo tử đầu” nhờ đánh thắng Hồng Giáp Đầu, 10 lạng cho 2 tên công sai để cởi gông cho Lâm Xung trước trận giao chiến vừa nêu, sau đó khi chia tay, “Tiểu toàn phong” còn tặng Lâm Xung 25 lượng và cho thêm bọn công sai 5 lượng, tổng cộng cả thảy 65 lượng.
Tiểu Toàn Phong Sài Tiến, quý tộc số 1 Thương Châu. |
Kim Sang Thủ Từ Ninh
Trong Thủy Hử từng xuất hiện không ít nhân vật từng làm chức Giáo đầu. Nhưng so với Lâm Xung hay Vương Tiến (thày Cửu Vân Long Sử Tiến) thì Giáo đầu dạy kim thương ở Đông Kinh – Từ Ninh ở 1 đẳng cấp hoàn toàn khác. “Kim sang thủ” Từ Ninh hiện ra ở hồi 55 với hình ảnh một nhận vật có cuộc sống quan cách và vô cùng xa hoa.
“Đoạn rồi thấy một đứa nữ tỳ ở dưới bếp đi lên, gập một cái áo màu tía cổ tròn, một cái áo ngắn màu quan lục, một cái áo xiêm hoa rực rỡ, một cái khăn gấm, và mấy cái khăn tay bằng lụa, bọc vào một gói, lại gấp một cái thắt lưng đuôi giải bọc vào khăn vàng nhỏ rồi bỏ vào hòm mà để lại một chỗ. Bấy giờ tên thị nữ cũng trở dậy, gắp than vào lò mang lên trên lầu để sưởi. Được một lát, thị nữ đem nước nóng lên. Từ Ninh rửa mặt súc miệng, rồi gọi hâm rượu để uống…”.
Tuy là giáo đầu nhưng Từ Ninh lại là đảm nhiệm công việc thân cận với vua Tống Huy Tông. Thủy Hử hồi 55 có đoạn: “Sáng mai vua ra cung Long Phù, phải dậy sớm từ đầu canh năm để chực”, vị thế của Từ Ninh rõ ràng là không hề tầm thường. Nhưng độ giàu có của Từ Ninh thì lại không được Thi Nại Am miêu tả rõ, trừ một chi tiết rất đắt, qua lời chính nhân vật này, sau khi phát hiện bảo giáp Kim Đường Nghê của mình bị trộm.
“Từ Ninh gắt mù tang tít lên, rồi nói với vợ rằng:- Cái áo ấy là của báu từ bốn đời ngày xưa lưu lại đến nay. Trước Hoa Nhi Vương Thái Úy trả ta vạn quan, ta không chịu bán cốt để những khi ra trận mà dùng, cho nên mới cẩn thận mà buộc treo trên đó”. Vạn quan tiền – vạn lượng bạc nhưng không bán áo giáp, rõ ràng Từ Ninh phải là kẻ giàu có “trên tiền” mới dám cư xử như vậy. Tài sản Từ Ninh sở hữu, nhẽ phải gấp vài chục lần giá trị của chiếc “Kim Đường Nghê” vậy!
Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa
Lư Tuấn Nghĩa được… Tống Giang miêu tả thế này ở cuối hồi 59: “Trong thành Bắc Kinh có Viên Ngoại họ Lư tên Tuấn Nghĩa, biệt hiệu là Ngọc Kỳ Lân, đứng vào hạng Tam Kiệt ở Bắc Hà… Ông ta là một trưởng giả bậc nhất ở Bắc Kinh”. Chính Lư Tuấn Nghĩa trong lần nói chuyện với “thày bói giả” Ngô Dụng cũng giới thiệu mình là: “tôi ở đất Bắc Kinh, sinh trưởng vốn nhà hào phú”.
Tất nhiên “trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh” của họ Lư không phải danh hão. Bởi chàng ta đúng là giàu có… siêu cấp thật. Hồi 60 Thủy Hử có những đoạn viết như thế này: “Trong bọn chủ quản của Tuấn Nghĩa, có một người họ Lý tên Cố, nguyên quê ở đất Đông Kinh… Trong tay Lý Cố cai quản có tới bốn năm mươi người hành tài cùng quản cán”. Đây là chi tiết cho thấy công việc kinh doanh của “Ngọc Kỳ Lân” là rất khủng, riêng nhóm quản lý các hạng mục làm ăn đã lên tới xấp sỉ 50 người.
Cái cách Lư Tuấn Nghĩa sắp xếp lễ vật đi làm lễ cầu an sau khi mắc mưu Ngô Dụng cũng cho thấy tầm cỡ “phú gia địch quốc” của chàng ta: “Nay Lý Cố sắp cho ta mười xe thái bình, xếp đủ các thứ hoa vật ở Sơn Đông… Bấy giờ Lý Cố lui ra xếp dọn các đồ hành lý, chọn mười cỗ xe thái bình xếp hàng hoá lên, gọi mười tên phu gánh, và bốn năm mươi tên phu xe, để sắp sửa ra đi”.
Rồi ở hồi 61, Thi Nại Am nhân đoạn tả chuyện tên quản gia phản phúc Lý Cố đút tiền cho anh em Sái Phúc Sái Kính để giết Tuấn Nghĩa đã khéo léo cho thấy độ giàu có của họ Lư: “Một ông Lư Viên Ngoại có tiếng ở Bắc Kinh như thế, mà chỉ đáng giá một trăm lạng bạc chăng? Tôi xin nói thực, nếu ông muốn cho chóng được việc, thì cứ năm trăm lạng bỏ ra đây. - Vâng vâng tôi xin sẵn đủ cả đây… Nói đoạn vội vàng đưa tiền”.
Rồi tiếp đó Thi Nại Am lại tả đến chuyện Sài Tiến xuất hiện, “trả giá” với Sái Phúc để giữ tính mạng Lư Tuấn Nghĩa: “Nếu ngài chịu lưu tâm cẩn thận, giữ gìn tính mạng cho Lư Viên Ngoại, thì chúng tôi sẽ hết lòng tử tế, không bao giờ dám quên ơn... Tôi vẫn nghe tiếng ngài là trung nghĩa hảo hán xưa nay, nên mới nói rõ cho ngài biết, và gọi là có nghìn lạng vàng đưa để ngài tiêu, xin chấp nhận lấy cho”.
Như vậy là đã rõ của nả của Lư Tuấn Nghĩa rất khủng đến độ Lý Cố sau khi chiếm được cả cơ ngơi, công việc kinh doanh lẫn Cố Thị (vợ họ Lư) sẵn sàng “ném” ra 500 lạng bạc nhẹ như lông hồng để nhờ người giết chủ. Ngay việc Sài Tiến sau đó ra giá 1000 lượng vàng (tương đương 1 vạn lạng bạc), tức gấp 20 lần con số của Lý Cố để “mua” bọn Sái Phúc, cũng cho thấy Lương Sơn sẽ thu lợi trăm lần hơn thế, nếu có được Lư Tuấn Nghĩa, danh tiếng và đặc biệt khối tài sản của “Ngọc Kỳ Lân”.
Phác Thiên Điêu Lý Ứng
Lý Ứng, trang chủ Lý gia trang xuất hiện lần đầu ở hồi 47 Thủy Hử nhân chuyện Dương Hùng, Thạch Tú và Thời Thiên trên đường tới Lương Sơn, đi qua núi Độc Long Cương và nghỉ tạm ở nhà trọ dưới chân núi. Thời Thiên bắt trộm con gà trong quán làm mồi nhậu, thì bị phát hiện. Cả ba đánh nhau với bọn người Chúc gia trang, Thời Thiên bị bắt, Dương Hùng và Thạch Tú thì trốn thoát được. Vì Dương Hùng có quen biết Đỗ Hưng, gia nô Lý Ứng nên tới cầu cứu.
Lý Ứng không chỉ là nhân vật có tiếng tăm lừng lẫy thể hiện qua lời Dương Hùng (Có phải Lý Đại quan nhân là Phác Thiên Điêu Lý Ứng vẫn có tiếng trong đám giang hồ xưa nay không?) và sau đó Thạch Tú (Xưa nay tôi vẫn nghe tiếng Phác Thiên Điêu Lý Ứng, là tay hảo hán ở Độc Long Cương, tới nay mới biết là ở đất này) mà còn là tay giỏi võ nghệ (Đỗ Hưng nói: chủ nhân của tôi, họ Lý tên Ứng, hay khiến thanh gươm Hỗ Thiết Điểm Cương và trong lưng giắt năm con dao, giết người ngoài trăm bước như qủy thần biến hiện…).
Là chủ nhân của 1 trong 3 gia trang lớn nhất ở Độc Long Cương, Lý Ứng sở hữu khối tài sản không tầm thường. Đỗ Hưng từng kể thế này: “Hiện nay các công việc ở nhà đó, bất cứ hàng nghìn hàng vạn, đều giao phó mặt ở tay tôi”. Cơ ngơi của Lý Ứng hiện ra qua đoạn việt ở hồi 47 như sau: “một nơi trang viện rất lớn, xung quanh xe lừa chứa nước, trong có tường vôi cao ngất, cây liễu xanh um, trước cửa có đích kiều cho người qua lại… đi tới Đại Sảnh, thấy hai bên có hơn hai mươi cỗ giá cắm toàn gươm giáo quân khí sáng choang một dẫy”. Tức gia trang của Lý Ứng không khác gì một ngôi thành kiên cố của triều đình.
Sau khi cùng nghĩa quân Lương Sơn nội ứng ngoại hợp đánh tan Chúc Gia Trang, Lý Ứng “được” Tống Giang “mời” về làm đầu lĩnh Lương Sơn. Hồi 49 có đoạn: “Chợt thấy một toán nhân mã dẫn các xe trượng kéo lũ lượt ra sơn trại. Lý Ứng nom ra, quả nhiên toàn là những người trong trang trại mình cả. Sau thấy vợ con nói rằng: Khi Quan Phủ bắt dong Quan Nhân đi rồi. Lại có hai người Tuần Kiểm dẫn bốn người Đô Đầu đem ba trăm thổ binh đến, thu lấy hết cả tài sản, bắt hết chúng tôi cho lên xe, bao nhiêu hòm xiểng trâu dê lừa ngựa, đều bắt lấy cả...”.
Của nả nhà Lý Ứng rõ ràng là rất nhiều. Nhưng nhiều đến mức nào, chúng ta cần phải đối chiếu với thành quả mà Nghĩa quân Lương Sơn thu được sau khi hạ Chúc Gia Trang. Hồi 49 có đoạn tả thế này: “Đoạn rồi nhất diện sai đem thóc gạo của Chúc Gia Trang xếp để lên xe, kim ngân tài bạch chia thưởng cho ba quân, và các thứ trâu bò, dè ngựa, đều tải về sơn trại để mà chi dụng. Khi đó tính ra được năm mươi vạn hộc lương đem về Sơn Bạc”.
50 vạn hộc lương, thời Tống Huy Tông tương đương với 50 vạn quan tiền. Một quan tiền là 1000 đồng, giá trị bằng 1 lượng bạc ròng. Tức sau khi đánh hạ Chúc Gia Trang, Lương Sơn thu hoạch 50 vạn lượng bạc. Con số này gấp 5 lần khoản mà nhóm Tiều Cái cướp được từ vụ Sinh Thần Cương và sau đó dùng để gầy dựng Lương Sơn những ngày đầu (10 vạn lượng). Lý Ứng là đại tài chủ ở Độc Long Cương, tổng giá trị khối lượng tài sản của “Phác thiên điêu”, trước khi ngồi ghế đầu lĩnh số 11 Lương Sơn, không kể bất động sản chắc chắn cũng chẳng thể ít hơn con số 50 vạn lượng bạc!
Theo Thanh Xuân/Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
4 nhân vật giàu có nhất trước khi trở thành đầu lĩnh Lương Sơn Bạc.