Khám phá

Bí ẩn hài cốt hoàng gia

Với một nhà khảo cổ, việc tìm thấy ngôi mộ cổ bị mất tích của một ông hoàng, bà chúa nào đó được xem là một kỳ tích trong sự nghiệp. Tuy nhiên, ý nghĩa của một kỳ tích như vậy không chỉ dừng lại ở đó. Nó là cơ hội vén mở bức màn che phủ cuộc sống còn nhiều ẩn số của nhân vật được khai quật cũng như về thời đại mà họ đã sống.

Nghỉ dưỡng kiểu quý tộc tại cung điện hoàng gia / Bước vào lăng mộ hoàng gia xa xỉ, đội khảo cổ mừng rỡ: Không phải 120kg vàng, đống bùn này mới chứa kho báu!

Nefertiti - Nữ hoàng vĩ đại của Ai Cập (trị vì từ khoảng năm 1348 - 1330 trước Công nguyên)

Trong những năm 80 của thế kỉ 18, những cư dân sống gần thành phố Amarna cổ đại của Ai Cập đã khám phá ra một khu hầm mộ đá cắt gồm một hệ thống phòng lớn. Cố đô xinh đẹp của Ai Cập không thiếu những khu hầm mộ như vậy, nhưng kích thước ấn tượng của khu hầm mộ đã tự phân loại nó khỏi những khu hầm mộ khác.


Nefertiti - Nữ hoàng vĩ đại của Ai Cập (trị vì từ khoảng năm 1348 - 1330 trước Công nguyên)

Đáng tiếc là, khu mộ mang tên Amarna 26 này đã không thể chống chọi được sự hủy hoại khắc nghiệt của thời tiết, thời gian và cả những kẻ trộm mộ. Nhiều tác phẩm nghệ thuật quan trọng đã bị đánh cắp, cả trong thời cổ đại hoặc gần đây. Dẫu vậy, một số lượng nhất định các tác phẩm nghệ thuật vẫn may mắn “sống sót”, trong đó có hơn 200 bức tượng nhỏ, một chiếc hòm đá trắng và hai cỗ quan tài đá granite.

Trên cơ sở đó, các nhà khảo cổ tin rằng khu mộ này, còn được gọi là khu mộ hoàng gia, thuộc về vị pharaoh của vương triều 18 Akhenaten và con gái ông - công chúa Meketaten. Nhưng nơi đây còn là nơi an nghỉ của một nhân vật bí ẩn khác. Có một căn phòng vẫn chưa được xây xong. Câu hỏi được đặt ra là nhân vật hoàng gia nào có thể là người an nghỉ tại đây? Liệu đây có thể cũng là khu mộ nơi vợ của Akhenaten, nữ hoàng Nefertiti an nghỉ?

Giả thuyết nữ hoàng Nerfititi an nghỉ ở đây được nhà Ai Cập học Marc Gabolde của trường đại học Paul Valéry, người lâu nay vẫn đi tìm khu mộ của bà, ủng hộ. Ông nói: “Giờ đây tôi tin rằng Nefertiti đã chết một vài tháng trước Akhenaten và được chôn cất ở Amarna, bất chấp việc nơi an nghỉ của bà trong khu mộ hoàng gia vẫn chưa được hoàn thiện”.

Nhưng học giả, nhà khảo cổ Barry Kemp của trường đại học Cambridge, Giám đốc dự án Amarna, lại có một ý kiến hoàn toàn khác. Ông nói: “Tôi không nghĩ là nữ hoàng Nefertiti lại có thể được chôn cất ở Amarna. Hoặc ít nhất là chẳng có gì được tìm thấy trong khu mộ chỉ ra rằng nó được trang bị các vật dụng dành cho bà. Nữ hoàng có thể đã được chôn ở thành phố Thebes hoặc đang ở tại khu nghĩa địa đã bị bọn cướp tàn phá ở Gurob, hoặc bà cũng có thể đã được đưa trở lại quê hương của bà, thành phố Akhmim, và được an táng trong khu mộ tổ tiên tại đó”. Theo Kemp, có quá nhiều giả thuyết và không đủ bằng chứng thuyết phục, “chúng ta có thể chẳng bao giờ biết được” đâu mới thực sự là nơi vị nữ hoàng vĩ đại trong lịch sử Ai Cập đã yên nghỉ.

Alexander Đại đế - Vua xứ Macedonia (trị vì từ năm 336 - 323 trước Công nguyên)

 

Thánh John Chrysostom, Tổng Giám mục thành Constantinopolis, (kinh đô của La Mã cổ đại, Istanbul ngày nay) từng đến thăm thành phố Alexandria (Ai Cập) năm 400 sau Công nguyên. Sau khi bày tỏ nguyện vọng muốn đến thăm mộ phần của Alexander Đại đế nhưng không biết phải đi đâu, ông đã thốt lên: “Đến ngay cả người của Alexander Đại đế còn không biết mộ của ông ở đâu”. Hơn một thiên niên kỉ đã trôi qua kể từ khi câu nói đó vang lên, bí ẩn ngôi mộ của Alexander Đại đế vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Alexander Đại đế qua đời ở Babylon, thủ phủ của vùng Lưỡng Hà vào năm 323 trước Công nguyên. Có thể ông chết vì bị đầu độc hoặc vì sốt rét, vì thương hàn, vì bệnh sốt Tây Sông Nile hoặc vì đau buồn sau cái chết của người bạn thân nhất là Hephaestion.

Trong quãng thời gian hai năm, xác ướp của Alexander Đại đế được bảo quản trong một quan tài bằng vàng và trưng bày cho công chúng ghé thăm. Sau đó thi hài của Alexander Đại đế được đưa đi chôn cất ở Aegae (Hy Lạp) - thủ đô đầu tiên của những vị vua xứ Macedonia.

Nhưng theo nhiều nguồn tin cổ đại, chiếc xe mang theo thi hài của Alexander Đại đế đã bị tấn công gần Damascus (Syria) và xác ướp của ông sau đó được mang tới Ai Cập. Điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Mamphis (khoảng từ những năm 298 - 283 trước Công nguyên) và sau đó là thành phố Alexandria, thành phố ông đã lập nên và được đặt theo tên ông.

Tại đây, Alexander Đại đế được chôn cất lần lượt trong ít nhất hai khu hầm mộ ở hai địa điểm khác nhau. Nơi được biết đến nhiều hơn là khu hầm mộ Soma. Soma trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa “thân thể”. Điều kinh khủng đã xảy ra sau đó khi khu lăng mộ này liên tục bị cướp phá. Quan tài bằng vàng của vị vua bị nấu chảy và thay thế bằng quan tài thủy tinh (hoặc pha lê). Ngay cả nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập cũng lấy vàng từ khu mộ để chi trả cho cuộc chiến chống lại người Octavia.

 

Bắt đầu từ năm 360 trước Công nguyên, khu lăng mộ bị ảnh hưởng do một chuỗi các sự việc như bạo động, động đất, sóng thần, đe dọa và cả việc bị phá hủy. Cũng từ thời điểm đó, hầm mộ của Alexander Đại đế được xem như đã mất tích. Và bất chấp việc các nhà khảo cổ học đã tìm kiếm nó trong hàng thế kỉ, vị trí của khu hầm mộ này vẫn là một bí ẩn.

(còn tiếp)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm