Khám phá

Bí ẩn trong khu mộ đá của các quan Lang

Có lẽ, cũng vì truyền thuyết chôn sống “thiếu nữ đồng trinh” làm “thần giữ của”, nên gắn liền với khu mộ đá Đống Thếch là những câu chuyện mang đầy màu sắc liêu trai, huyền bí được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Tào Tháo hỏi “Nếu ông chết, vợ con phải làm sao?”, Trần Cung nói 1 câu khiến thừa tướng rơi nước mắt / Ngày chết chóc nhất lịch sử nhân loại

Từ lâu, người ta đã biết đến cuộc sống xa hoa tột bậc chả kém gì ông hoàng, bà chúa của các quan lang xứ Mường. Cuộc đời những “ông vua núi rừng” này lúc sống đã như một pho sử sách đồ sộ, quyến rũ, và ngay cả khi đã yên nghỉ dưới “mái nhà ở cõi xa xanh”, những câu chuyện về họ cũng không hề bị mối mọt, rêu cũ bởi thời gian.

“Ngôi nhà” của vị quan lang lừng lẫy xứ Mường

Nằm cạnh quốc lộ 12B, khu mộ cổ Đống Thếch (Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình) với hàng trăm cột đá sừng sững vươn lên ngạo nghễ như chứng tích một thời vàng son của dòng họ Đinh Công, dòng họ quan lang nhiều đời “ăn lộc” xứ Mường. Mấy trăm năm qua, xung quanh khu mộ đá kỳ vĩ, tím rắt trong nắng chiều lạnh buốt, giữa lớp lang rừng núi thâm u này còn tồn tại rất nhiều những câu chuyện mang màu sắc thánh thần và lời nguyền bùa ngải.

Tương truyền rằng, người đặt nền móng cho sự phồn thịnh của dòng họ Đinh Công và cũng chính là “chủ nhân” khu mộ cổ Đống Thếch là ông Đinh Văn Cương vốn người Ngọc Lặc, Thanh Hoá. Ông Cương mồ côi cha, từ nhỏ đã đam mê võ thuật, đánh trận. Một lần khi vua Lê hành quân qua đây bị giặc phục kích, đang lúc nguy khốn, ông Cương “múa giáo, phò vua”.

Khu mộ cổ Đống Thếch được xếp hạng Di tích khảo cổ học năm 1996.

Để ghi nhớ công trạng, nhà vua phong công thần và ban cho ông chữ Công, đổi tên đệm từ Đinh Văn thành Đinh Công và giao trấn giữ vùng đất Kim Bôi, Hòa Bình ngày nay. “Thượng ngọn cây, hạ ngọn cỏ” khắp xứ Mường Động mênh mông, rộng lớn, đâu đâu cũng là đất của ông. Khi ông chết, người ta phải dùng hàng chục con voi về Thanh Hoá chuyển đá ra xây mộ, ròng rã nhiều tháng trời mới hoàn thành. Nối nghiệp cha, con trai ông là Đinh Công Kỷ, cũng là một vị tướng giỏi, nhiều lần đem đội quân sơn dõng của mình giúp vua đánh dẹp ngoại bang nên được phong đến chức Quận công.

Trên một cột đá mộ ông Kỷ còn ghi văn tự: Đinh Công Kỷ, tước Uy lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1582, mất giờ Sửu, ngày 13 tháng 10 năm Đinh Hợi 1647. Khi chết, ông Kỷ được ban tước Chưởng vệ đề đốc uy quận công. Đến ngày 22 tháng 2 năm Canh Dần (1650), thi hài ông được đưa về khu mộ nằm trên núi bằng 15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa, đoàn người đưa tiễn có đến hàng ngàn, tiếng than khóc, tiếng cồng chiêng vang dội cả một vùng rộng lớn.

Một góc khu mộ của vị quan lang lừng lẫy xứ Mường Động.

Từ đó, dòng họ Đinh Công ngày càng phát triển. Chỉ những người làm quan trong dòng họ Đinh khi chết mới được chôn trong khu mộ Đống Thếch, quanh năm có người hương khói, nhang đăng. Mỗi khi một vị quan lang hoặc trong gia tộc có người chết, cả vùng Mường Động làm đại tang.

 

Yểm bùa bằng “thiếu nữ đồng trinh”!

Quan tài thường được làm từ một khúc gỗ quý, được xẻ dọc làm đôi, cho thợ khoét rỗng ruột. Sau nhiều ngày cúng bái, quan tài mới được khiêng đi chôn ở khu mộ đá. Trước khi chôn, người ta trải một lớp than củi đốt bằng gỗ trai, đồng thời đổ thêm vào quan tài một lớp gạo rang khá dày để hút ẩm, giữ xác lâu bị phân hủy.

Đồ dùng, vật dụng cũng được chôn theo khá nhiều như xoong, nồi, âu, chậu, ly, cốc, tiền..., người nào càng làm quan to, giàu có thì được chôn theo càng nhiều vật quý. Thậm chí, người ta còn chôn sống cả những sơn nữ đồng trinh, vừa để họ “mua vui”, hầu hạ cho chủ nhân ở dưới suối vàng, vừa để… trông nhà, giữ của.

Trên nhiều phiến đá còn ghi những văn tự bằng chữ Hán.

 

Có lẽ, cũng vì truyền thuyết chôn sống “thiếu nữ đồng trinh” làm “thần giữ của”, nên gắn liền với khu mộ đá Đống Thếch là những câu chuyện mang đầy màu sắc liêu trai, huyền bí được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Ông Đinh Công Dũng, hậu duệ đời thứ 21 của Chưởng vệ đề đốc uy Quận công Đinh Công Kỷ, kể rằng, ngày trước, nơi đây còn là một thung lũng ít người sinh sống, xung quanh cây cối um tùm, ánh nắng không bao giờ lọt tới. Vào những đếm sáng trăng, ánh trăng nhảy múa trên các thân cột đá tạo ra vô vàn hình thù kỳ quái, chẳng thể phân biệt đâu là cột đá, đâu là cây cối.

Vào quãng năm 1982, bà Đinh Thị Thậm (ở xóm 3, Vĩnh Đồng) đi làm nương về qua khu mộ vào buổi tối, nghe tiếng gió thổi ù ù từ trên đỉnh núi tràn xuống, tiếng ầm ào từ ngàn cây vọng lại như tiếng tù và rúc thổi, rừng cột đá ngả nghiêng, uốn lượn, lại thấy hàng chục thiếu nữ dáng vẻ thơ ngây, áo quần, khăn khố, mũ mãng đều trắng toát trang phục Mường vạ vật khóc ơ hờ đòi mạng dưới ánh trăng…, bà Thậm sợ quá nằm ngất lịm, cả bản phải đốt đuốc đi tìm, may mà cứu được. Kể từ đó, khu mộ càng thêm hoang biệt.

Người dân cho rằng, khu mộ là vùng đất thiêng, ai vào đây trót lấy dây quấn xung quanh hoặc dùng dao chém vào các cây cột đá sẽ bị thánh thần làm cho mê mẩn đầu óc, không biết đường ra. Nếu không có người khác phát hiện, tìm cách “giải cứu” thì sẽ vĩnh viễn biến mất một cách khó hiểu trong khu mộ rộng chỉ “một tầm tiếng hú”. Trâu, bò, cừu, dê của đồng bào chăn thả chỉ cần lạc vào “rừng đá” cũng bặt vô âm tín.

Ông Đinh Công Dũng - hậu duệ đời thứ 21 của Chưởng vệ đề đốc uy Quận công Đinh Công Kỷ - bên cuốn gia phả của dòng họ Đinh Công.

 

Hơn chục năm trước, có đoàn thương lái khi bôn tẩu qua khu nhà mồ của các quan lang, trời tối, mệt mỏi rã rời, họ “ngả mình trên cỏ ngủ ngon lành”. Sáng sau, người dân sống quanh vùng ra xem chỉ thấy những túi đồ dùng cá nhân treo trên cột đá, còn người, ngựa đều biến mất… Số phận của đoàn khách lữ hành đó qua lời kể của mỗi người lại khác nhau chút ít, người bảo bị thần giữ của “vật” chết mất xác, người bảo bị hùm beo bắt tha lên rừng ăn thịt, chỉ còn lại một nhúm bầy hầy xương thịt nằm chơ lơ trên cỏ.

Một kết cục buồn cho khu mộ đá

Linh thiêng, huyền bí là thế, lại đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích khảo cổ học vào năm 1996, nhưng giờ đây, khu kinh địa “táng miệng rồng” này chỉ còn lại hơn chục ngôi nằm rải rác trong vuông đất rộng chừng 2ha. Có nhiều ngôi bị bọn trộm “bới đất lật cỏ” tìm cổ vật chả còn hình dạng, cột đá vứt chỏng chơ, lau lách mọc lút đầu người.

Ông Đinh Công Dũng: “Nhìn khu mộ cổ của dòng họ bị tàn phá, tôi không khỏi xót xa…”

 

Đến cả những tấm bia khắc văn tự bằng chữ Hán, ghi lại thân thế, công lao của người chết cũng bị lấy cắp. Trong hơn chục ngôi mộ nằm rải rác ở khu A và khu B, ngôi lớn nhất còn đến 18 cây cột đá xung quanh, ngôi nhỏ còn vài ba cột.

Tình trạng đào trộm mộ tìm cổ vật diễn ra mạnh nhất vào đầu những năm 80 thế kỷ trước. Lúc ấy, cả quần thể mộ giống như một công trường ngổn ngang. Dân buôn đồ cổ từ Bắc tới Nam kéo nhau về đây “ăn dầm ở dề” hàng tháng trời chờ mua cổ vật. Từ âu, ang, ly, cốc…, đến chiêng, ché cũng bị bán cho bọn thương lái.

Nơi yên nghỉ của các quan lang uy quyền lừng lẫy Mường Động ngày xưa đã bị “khai thác”, “can thiệp” một cách thô bạo bởi bàn tay con người. Nếu không có những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn, duy tu kịp thời, nguy cơ biến mất của một di tích hàng mấy trăm năm của dòng họ Đinh Công danh tiếng đang dần hiện hữu. Kèm theo đó, nhiều nét tinh hoa văn hóa của một trong tứ Mường (nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động), sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi.

- Video: Kho báu rơi ra từ “tàu ma” 5.000 năm tuổi. Nguồn: Báo Người lao động.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm